Hoàn thiện quy định về trạm sạc, phát triển thị trường xe điện hướng tới mục tiêu Net Zero

Hoàng Thơ |16/10/2024 15:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hệ thống trạm sạc điện là vấn đề sống còn trong công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh. Những quy định mới được ban hành sẽ là hành lang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện nhanh chóng và đảm bảo chất lượng, mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, hướng tới Net Zero theo định hướng của Chính phủ.

Sáng 16/10, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam".

Tại Việt Nam, xe điện phải đáp ứng 58 tiêu chuẩn

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô và vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển hệ thống trạm sạc xe điện. Muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp.

Có thể nói, hệ thống trạm sạc điện là vấn đề sống còn cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, thiết bị (Trạm) sạc xe điện (EVSE-Electric Vehicle Supply Equipment) là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp năng lượng điện và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện, lưu trữ kết quả, thông báo kết quả cho khách hàng và có thể truyền thông tin cho một hệ thống thanh toán.

"Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng về sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật", bà Ngô Thị Ngọc Hà nhấn mạnh.

tram-sac-1.jpg
Hệ thống trạm sạc điện là vấn đề sống còn cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh.

Về vấn đề này, ông Trần Quý Giầu, Trưởng Ban đo lường - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 58 TCVN liên quan đến xe điện và hệ thống liên quan, bao gồm: 41 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe điện; 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện; 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện); 05 TCVN về Thiết bị đo điện.

Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và quy định của Ủy ban Châu Âu (EC/ECE/EU).

Về đo lường, ngày 15/4/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành ngày 15/4/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024 với nội dung “Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Cụ thể là bổ sung phương tiện đo mới vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, đó là Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện bao gồm: Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe đạp điện, xe máy điện; Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe ô tô điện; Thiết bị đo điện năng một chiều sạc pin xe ô tô điện. Trong đó, bao gồm quy định việc phê duyệt mẫu và chu kỳ kiểm định đối với phương tiện đo này.

Quy định mới về đo lường đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Theo ông Trần Quý Giầu, ở Việt Nam đã xuất hiện và đưa vào sử dụng các Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện để cung cấp dịch vụ thanh toán lượng điện tiêu thụ đòi hỏi phải quản lý nhằm bảo đảm công bằng giữa người mua và người bán. Khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường quy định phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điểm b khoản 1 Điều 55 Luật Đo lường quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ ‘‘Đề xuất các loại phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 và yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo nhóm 2 để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành’’.

"Như vậy, việc bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện và cần được quản lý nhà nước về đo lường là rất cần thiết, phù hợp với quan điểm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích hỗ trợ việc sử dụng nhiện liệu sạch; phù hợp thông lệ quốc tế; đảm bảo công bằng giữa người mua và người bán; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng", ông Trần Quý Giầu khẳng định.

Để đảm bảo quyền lợi cho người mua và người bán một cách công bằng, minh bạch, Bộ KH&CN đã sửa đổi, bổ sung một số điều mới của Thông tư 23 ban hành năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện".

Bà Ngô Thị Ngọc Hà cho hay, thiết bị sạc xe điện chính là một phương tiện đo phải tuân thủ quy định tại khoản 2 điều 16 của Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011. Cụ thể “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”.

Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành OIML G 22 và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.

Tại Việt Nam, từ năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban TCĐLCL Quốc gia) đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất đưa thiết bị đo điện năng sạc vào diện quản lý phương tiện đo nhóm 2, đáp ứng yêu cầu quản lý theo Luật Đo lường năm 2011 và đảm bảo tính công bằng trong giao dịch. Đây chính là điểm mới của thông tư số 03/2024/TT-BKHCN ngày 15/4/2024.

tram-sac-2.jpg
Quy định mới về đo lường đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Giải pháp quản lý trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới trạm sạc xe điện

Ông Trần Quý Giầu cho hay, ngay từ khi được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý về mặt nguyên tắc, cho phép bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã phối hợp với Vinfast thực hiện khảo sát, thống kê số lượng, chủng loại Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện hiện có để từ đó có bài toán tổng thể trong việc đánh giá, đề xuất phương án thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng của mạng lưới trạm sạc xe điện trên cả nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia cũng phối hợp với Công ty TNHH Kinh doanh phát triển Vinfast để tiến hành thử nghiệm thực tế và thống nhất đưa ra biện pháp, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với các Thiết bị sẵn có và đáp ứng theo quy định pháp luật về đo lường.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Dương - Tổng Giám đốc Công ty Vgreen - Công ty Trạm sạc điện của Vingroup cho biết: Xe điện đang phát triển bùng nổ, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể trong tháng 9/2024, VinFast đã bàn giao hơn 9.300 xe ô tô điện cho khách hàng, lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu một thương hiệu xe thuần điện nội địa bán chạy hơn tất cả các thương hiệu xe xăng nước ngoài.

Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi các mẫu xe điện VinFast đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là mẫu xe VF 3 mới được bán ra thời gian qua đã thu hút gần 30.000 đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Thành Dương chia sẻ: Là đơn vị tiên phong trong đầu tư, phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam, V-Green có gặp phải một số khó khăn trong giai đoạn ban đầu, khi nhận thức chung của người dân và xã hội chưa đầy đủ về xe điện và sự an toàn của trạm sạc: Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc; Quy định về giấy phép xây dựng đối với trạm sạc đang được áp dụng chưa đồng bộ tại một số địa phương; Chưa có giá điện hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các chủ sở hữu xe điện...

Tuy nhiên, để phát triển mạnh hệ thống trạm sạc xe điện trong thời gian tới, tháng 9/2024, V-Green quyết định tăng mật độ trạm sạc thông qua mô hình hoàn toàn mới: “doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

Đây là mô hình win-win cho cả 3 bên: V-Green - người dân địa phương - chủ sở hữu xe điện; vừa giúp nhanh chóng gia tăng mật độ trạm sạc, vừa mở ra cơ hội kinh doanh làm giàu cho người dân và đặc biệt đảm bảo hạ tầng luôn dễ tìm, dễ kiếm, “cần là có” cho người sử dụng xe điện VinFast.

Kết luận về vấn đề này, bà Ngô Thị Ngọc Hà khẳng định: Xe điện là xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện nay và tương lai với nhiều lợi ích như: Xe điện thân thiện với môi trường, xe điện an toàn, giảm thiểu tai nạn, xe điện cải thiện trải nghiệm người dùng, sự phát triển ngành công nghiệp xe điện tạo ra nhiều việc làm mới, sử dụng xe điện giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng về sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoàn thiện quy định về trạm sạc, phát triển thị trường xe điện hướng tới mục tiêu Net Zero