Việc hoàn thổ bị bỏ ngỏ, để lại mối nguy hiểm cho tính mạng người dân, cảnh quan môi trường.
Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên khắp cả nước, khiến dư luận bức xúc.
Hiểm nguy để lại
Tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) tình trạng trâu bò, gia súc rơi xuống các hố sâu sau khai khoáng đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết. Hàng trăm mỏ khai thác có độ sâu hàng chục mét đã trở thành những hố “tử thần” nằm rải rác trên sườn núi.
Cũng tại Bắc Kạn, người dân xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) còn phải chịu một nỗi lo khác. Đơn vị khai thác khoáng sản không chỉ chậm hoàn thổ, mà còn xả thải ra môi trường nhiều chất độc hại. Như trong khu vực mỏ Nà Diếu đã phát hiện tồn dư chất xyanua. Khu mỏ này đã đóng cửa được hơn hai năm nay, nhưng từ ngày 4/4 đến ngày 8/4/2019, tại khu vực mỏ đã có sáu con trâu, bò của người dân thôn Nà Kéo và Cò Luồng bị chết sau khi uống nước tại một vũng nước nhỏ trong khu vực mỏ.
Theo đại diện Công ty CP Kỹ thuật và Phân tích môi trường, mẫu đất trên diện tích khu vực trâu, bò chết có mùi khó chịu, mầu xanh. Kết quả phân tích cho thấy, thông số xyanua cao hơn so với ngưỡng cho phép. Ngoài ra, các mẫu nước tại vũng nước cách vị trí trâu, bò chết 15 m; tại bể thử nghiệm nằm trong diện tích đất thuê của Công ty TNHH Hoàng Ngân để xây dựng công trình phụ trợ; tại lán lá cọ đã tháo dỡ… cũng đều phát hiện có chất xyanua và asen cao hơn mức độ cho phép nhiều lần. Trong khi đó, theo Công an huyện Ngân Sơn, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phân tích các mẫu chất trong dạ dày, nội tạng của sáu con trâu, bò chết đều phát hiện chất cực độc xyanua. Chưa kể sát khu vực mỏ, trên đỉnh núi còn có nhiều bể ngâm, ủ quặng dung tích lớn, chứa đầy nước hiện vẫn chưa được lấp đi, trở thành “bẫy” gia súc, rất nguy hiểm. Ông Hoàng Văn Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), bày tỏ: Lợi ích trong khai thác khoáng sản đâu chưa thấy nhưng hậu quả để lại cho người dân là rất nặng nề.
Tại tỉnh Hà Giang, từ năm 2014 đã diễn ra tình trạng nhiều DN khai khoáng “bỏ của chạy lấy người”, khi dùng máy móc đào bới rừng núi rồi không hoàn thổ, khiến nhiều con suối bị nghẽn dòng ở các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê. Chính quyền cơ sở đành phải vận động nhân dân tự cải tạo nương, dọn dẹp những khu đất đá nhỏ bị đào bới.
Đến thời điểm cuối năm 2019, trong tổng số 25 dự án hết hiệu lực trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mới chỉ có hai đơn vị thi công xong đề án đóng cửa mỏ và được UBND tỉnh quyết định đóng cửa mỏ; tám dự án chưa tiến hành khai thác mỏ. Nhiều dự án còn hạn khai thác theo giấy phép, nhưng do làm ăn thua lỗ đã đi khỏi địa phương, không hoàn thổ. Điển hình là các doanh nghiệp: Hợp tác xã TTCN 3/2 – mỏ antimon Bản Trang, xã Xín Cái và mỏ antimon Phe Thán, xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc); Công ty cổ phần Thiên Phú Sơn – mỏ Antimon Bản Đáy, xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê)…
Những hầm nham nhở khai thác quặng trở thành những bẫy “tử thần”.
Tại Đồng Nai, theo số liệu của Sở TN&MT tỉnh, tính đến cuối năm 2020 trên địa bàn đã có 13 mỏ khai thác đá, đất đã đóng cửa, 40 mỏ đang khai thác với tổng diện tích gần 1.400 hecta.
Tất cả các mỏ khai thác đất đá tại Đồng Nai được cấp phép khai thác sâu từ 60-80m, tùy theo trữ lượng từng nơi. Doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thì chỉ tính làm sao có thể tận thu được nhiều nhất từ mỏ, còn khi khai thác hết rồi, đến lúc phải đóng cửa mỏ thì nơi đây lại bị bỏ hoang.
Bẫy “tử thần”
Tại Nghệ An, không thực hiện công tác cải tạo phục hồi môi trường kịp thời, cố tình trốn tránh trách nhiệm, nhiều chủ mỏ trên địa bàn đã “bỏ quên” hoàn thổ mỏ khiến tính mạng của người dân đang bị đe dọa từng ngày.
Năm 2019, một nhóm người dân tại địa phương đến mỏ thiếc đã đóng cửa tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An để mót quặng còn sót lại thì bất ngờ mỏ thiếc bị sập khiến 3 người bị vùi lấp và tử vong. Mỏ thiếc này do 1 DN khai thác thiếc và đã đóng cửa từ lâu. Tuy nhiên, việc hoàn thổ sơ sài nên dẫn đến sự việc đau lòng đó.
Cụ thể, vào chiều 13/3, khi đang tham gia mót quặng thiếc ở khu vực suối Bắc, trên dãy núi Lan Toong thuộc xã Châu Hồng, 3 nạn nhân xấu số người dân địa phương là Sầm Thị Hải (sinh năm 1987), Lương Văn Tuấn (sinh năm 1977), Lương Thị Hảo (sinh năm 1982) đã bị vùi lấp. Theo người dân địa phương kể lại, đây là khu vực mỏ được đào bới nham nhở rồi chủ mỏ rút máy móc, phương tiện đi suốt gần 3 năm nay không khai thác nữa. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa xuống, người dân ở đây lại liều mình ngụp lặn, chui vào các hang sâu mà chủ mỏ trước kia để lại nhằm mót quặng kiếm kế sinh nhai.
Kế tiếp, vào chiều ngày 5/4, cũng tại khu vực mỏ thiếc Thung Khoong, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khi một nhóm người cùng trú tại xã Châu Hồng đi qua khu vực này thì chị Lô Thị Huế, SN 1984, trú bản Poòng và chị Vi Thị Hương, trú bản Na Hiêng, bị tụt xuống hố bùn thải tử vong.
Đây mới chỉ 02 trong số không ít vụ người dân bị rơi vào “bẫy” các hầm mỏ để cố gắng tìm kiếm chút ít tài nguyên khoáng sản còn sót lại trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An.
Câu chuyện hoàn thổ mỏ sau khai thác đang trở thành nỗi lo không chỉ mất an toàn đối với cuộc sống dân sinh mà còn để lại nhiều hệ lụy, “di chứng” cho môi trường sống tự nhiên.
Mai Lâm