Khai thác khoáng sản là hoạt động liên quan đến sử dụng đất tạm thời, do vậy sau khi kết thúc quá trình khai thác mỏ, cần tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác và cải tạo, trả lại diện tích đất cho xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển tiếp theo. Mục tiêu chung của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường là đảm bảo sự an toàn về môi trường và sức khỏe của người dân địa phương tại khu vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đối với mỗi khu vực và loại hình khai thác khoáng sản khác nhau, sẽ có những mục tiêu cụ thể về hoàn thổ, phục hồi môi trường khác nhau như: Hoàn trả lại diện tích đất với điều kiện tự nhiên có đầy đủ các giá trị môi trường như ban đầu; Tái tạo lại các giá trị sinh thái và việc sử dụng đất gần giống với trước khi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng các mục đích sử dụng hoàn toàn khác so với hiện trạng sử dụng đất ban đầu trước khi khai thác; Chuyển đổi các khu vực có giá trị năng suất cây trồng thấp thành các khu vực an toàn và ổn định hơn.
“Vấn nạn” đáng báo động
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản. Các dự án khai thác khoáng sản thuê đất trong suốt vòng đời (thông thường 10 – 30 năm tùy loại hình khoáng sản) và tiến hành hoàn trả lại đất đã hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án. Nội dung này phù hợp với các loại quặng có diện tích chiếm dụng đất ở quy mô nhỏ hoặc vừa phải, ở những vùng đất có chất lượng kém, cằn cỗi, đất không được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc không có nhiều mâu thuẫn trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên đất.
Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản
Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ.
Theo đó, Quỹ này phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi doanh nghiệp khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong doanh nghiệp bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông được UBND tỉnh Quảng Ninh giao trên 171ha đất tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn để đầu tư – kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới. Đây được coi là một trong những đô thị ven biển đẹp nhất của Quảng Ninh khi hình thành.
Để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng dự án, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã làm thủ tục xin cấp mỏ đất tại xã Đoàn Kết và Đông Xá. Địa điểm khai thác tại thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết có diện tích là 19,3ha, trữ lượng địa chất và trữ lượng khai thác trên 5,16 triệu m3; thời gian khai thác là 2,5 năm với tổng số tiền là trên 370 tỉ đồng.
Trong hồ sơ xin cấp mỏ, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã trình quy trình khai thác mỏ đất phục vụ dự án khá nghiêm ngặt với những phương án hoàn nguyên khá hoàn hảo.
Thế nhưng, đã hết thời hạn khai thác từ 30/6/2020, thực tế ghi nhận Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông chưa thực hiện phương án hoàn nguyên, bảo vệ môi trường. Nhiều khu vực mở vỉa cao hàng trăm mét, nhưng không hề được cắt tầng, rất nguy hiểm cho người dân khi vào khu vực này. Trong khi các phương án hoàn nguyên môi trường chưa được thực hiện thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã định “phủi tay” bàn giao khu mỏ về cho địa phương quản lý.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông chưa hoàn nguyên sau khai thác đất
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian qua có 28 mỏ khai thác đất, đá đã hết thời gian được cấp phép khai thác, trước đó phải dừng hoạt động trước khi chấm dứt hiệu lực giấy phép để thực hiện công tác khôi phục, hoàn thổ, cải tạo môi trường sinh thái xung quanh khu vực rồi đóng cửa mỏ… Song, công tác này khá lơ là, chậm chạp; thậm chí nhiều mỏ vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương…
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường (BVMT). Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.
Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.
Theo đó, đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.
Doanh nghiệp thực hiện kiểu đối phó
Tỉnh Nghệ An có hàng trăm dự án khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, một số dự án tuy hết thời hạn nhưng việc hoàn thổ chưa được triển khai nghiêm túc hoặc chưa đạt yêu cầu.
Mỏ đá lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, thị xã. Hoàng Mai được cấp phép khai thác đá cho Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Xuân Quỳnh. Đến cuối năm 2016, Công ty TNHH Xuân Quỳnh đã hết thời hạn được cấp phép khai thác và chấm dứt việc khai thác.
Còn 2 công ty sau đó vẫn khai thác là Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng. Tuy vậy, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đã phát hiện hai đơn vị này có nhiều sai phạm. Cụ thể, qua số liệu đo đạc của đơn vị tư vấn thiết kế, một số điểm các công ty đã khai thác vượt quá độ sâu giới hạn cho phép, khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép.
Từ những sai phạm trên, tháng 2/2017, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản”. Số tiền mỗi công ty bị UBND tỉnh xử phạt lên đến 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu, nhưng các doanh nghiệp không thực hiện.Đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ Ancó quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyền khai thác khoáng sản tại mỏ Lèn Chùa của tất cả các Doanh nghiệp nói trên.
Ngày 6/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa của Công ty TNHH Xuân Hùng. Với quyết định này, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thổ đất để lấp bằng khu mỏ, UBND tỉnh Nghệ An lại cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ…
Sau đó, ngày 20/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung Dự án đầu tư khai thác đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa cho Công ty TNHH Thanh Xuân với những nội dung yêu cầu doanh nghiệp làm những công việc khá đơn giản giống với Công ty TNHH Xuân Hùng. Đặc biệt, cũng cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ….
Diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Xuân Hùng là 3,43ha; diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Thanh Xuân là 4,14ha; thời gian thi công mà UBND tỉnh Nghệ An cho phép 2 đơn vị nêu trên thực hiện là 2 tháng kể từ ngày ký quyết định, kinh phí thực hiện do doanh nghiệp tự chi trả.
Ngày 6/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 647/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ đá xây dựng với diện tích 3,43ha tại Lèn Chùa cho Công ty TNHH Xuân Hùng giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ. Tuy vậy, điều mà dư luận quan tâm là cách cải tạo phục hồi môi trường “không giống ai”, quá sơ sài, chưa thể đem lại trạng thái an toàn… đã gây băn khoăn, lo lắng, thậm chí, phản ứng của người dân địa phương.
Chính quyền từng phải rất vất vả để xử lý “bãi chiến trường” của các mỏ khai thác quặng sắt ở Tri Lễ (huyện Quế Phong) khi các doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”
Tại xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) có 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản sắt gồm Công ty CP Lâm Lệ Phong, Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn 171, Công ty TNHH Ngọc Sáng, Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung; ngoài ra, xã Quang Phong có Công ty CP XNK Tân Hồng khai thác quặng vàng.
Cụ thể, khu vực cấp phép cho các đơn vị Công ty CP Lâm Lệ Phong (khu vực bản Tà Pan, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 19,1 ha, hết hạn ngày 16/2/2014); Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn 171 (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 52,09 ha, hết hạn ngày 11/11/2015); Công ty TNHH Ngọc Sáng (xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 10,3 ha, hết hạn ngày 22/12/2015); Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp Miền Trung (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 30 ha, hết hạn từ ngày 25/6/2016). Khi đó các đơn vị nêu trên đều để lại hiện trường các moong khai thác lớn, sâu, nằm ở vị trí lưng chừng sườn núi, bên cạnh đó, có một số hố chứa bùn thứ cấp, bãi đất đá thải, quặng nguyên khai…
Thời điểm đó, tuy giấy phép khai thác của các doanh nghiệp này đã hết hạn từ lâu nhưng họ chưa tiến hành cải tạo phục hồi môi trường cũng để đóng cửa mỏ. UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Quế Phong đã đôn đốc thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường nhưng các doanh nghiệp không chấp hành. Cực chẳng đã, các ngành chức năng đành phải tự lên phương án, thuê doanh nghiệp khác tiến hành công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Ngặt nỗi, số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp nêu trên số thì còn nợ, số đã nộp lại không đủ để chi phí cho công việc nêu trên nên chính quyền đành phải “bù lỗ” bằng nguồn khác để cho xong việc.
Cũng tại huyện Quế Phong, cơ quan chức năng phải “ôm” thêm 2 điểm mỏ khai thác vàng đã cấp cho Công ty CP XNK Tân Hồng khi 2 điểm mỏ này lần lượt hết hạn vào tháng 10/2015 và tháng 3/2016 nhưng doanh nghiệp nêu trên đã “bỏ chạy”. Vì thế, chính quyền phải thuê một doanh nghiệp địa phương thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Điều đáng nói là tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty CP XNK Tân Hồng cho 2 điểm mỏ này là hơn 1,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng được vẻn vẹn 230 triệu. Vì thế, chính quyền phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để giải quyết “hậu quả”.
Còn khu vực Rú Bùi, xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) được UBND tỉnh Nghệ An cho 2 công ty khai thác đất san lấp từ tháng 4/2016 để phục vụ Dự án khôi phục vùng ngập lũ tỉnh Nghệ An thuộc các xã vùng Năm Nam, huyện Nam Đàn. Việc khai thác đến ngày 31/12/2017 là hết hạn. Tuy vậy, đến nay, việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định vẫn chưa được triển khai.
Trước đó, ngày 13/2/2019, UBND huyện Nam Đàn có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc chỉ đạo các đơn vị khai thác đất san lấp thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tính”.
Còn tại Hà Nội mấy năm nay, người dân xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) luôn thấp thỏm lo âu về nguy cơ sạt lở đất, đá và vỡ hồ chứa nước do các mỏ đá chưa hoàn trả mặt bằng. Ông Bạch Công Lưu ở xã Phú Mãn cho biết: “Những mỏ đá đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng mỗi lần đi qua khu vực này, tôi vẫn sợ. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, đất, đá trên núi có thể bất ngờ lăn xuống. Những khu vực này từng bị sạt lở, hoa màu bị vùi lấp”.
Theo thống kê, huyện Quốc Oai có 7 mỏ đá, trong đó 5 mỏ đá đã ngừng hoạt động. Các đơn vị khai thác là: Công ty cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty cổ phần Cơ giới lắp máy và xây dựng, Công ty cổ phần Vimeco (tại xã Phú Mãn) và mỏ đá của Công ty TNHH Bình Minh (tại xã Đông Xuân).
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai cho biết, các mỏ đá này đều hết giấy phép khai thác từ năm 2019 nhưng đến nay chưa đơn vị nào thực hiện nghĩa vụ hoàn trả môi trường như cam kết. Nguy hiểm nhất là mỏ đá tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn do Công ty cổ phần Vimeco khai thác để lại một hồ nước rộng 5.000m2, sâu 40-45m, tạo thành “túi nước khổng lồ” treo lưng chừng núi, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân.
“Khi còn hoạt động, các doanh nghiệp đều hứa thực hiện nghiêm theo hợp đồng và không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vậy mà đến nay lại buông trách nhiệm. Để bảo đảm an toàn, tạm thời chúng tôi phải quây hàng rào thép gai và cắm biển cảnh báo nguy hiểm”, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn nói.
An Nhiên