(Moitruong.net.vn) – Sáng 25/9, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ/Ban/Ngành, các cơ quan Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ/Cục/Viện/Văn phòng Bộ của Bộ Y tế; các cơ quan truyền hình thông tấn trung ương và Hà Nội đã đến dự và đưa tin Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị: Trong suốt những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi và ghi nhận sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã làm tốt công tác cho người cao tuổi.
Đồng chí Phó Thủ tướng chia sẻ: Cứ 1 giây trên thế giới có 2 người bước vào tuổi của người cao tuổi, 1 năm tăng thêm 58 – 60 triệu người cao tuổi trên thế giới. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa cao, tại Việt Nam có 10,1 triệu người cao tuổi chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Chính vì vậy, chính sách để người cao tuổi đang là vấn đề cần được quan tâm.
Đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị: trong thời gian tới ngành Y tế cần chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng và Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: quá trình già hóa của mỗi vòng đời trải qua 3 giai đoạn bao gồm, 1.Giai đoạn năng lực sống cao và ổn định; 2.Giai đoạn suy giảm năng lực; 3.Giai đoạn suy giảm, mất năng lực nặng nề. Trong thời gian qua, ngành Y tế đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, kịp thời, hiệu quả các bộ/ngành liên quan và của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức và bạn bè quốc tế hỗ trợ trong các vấn đề về già hóa dân số.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Việt Nam đang ở thời kỳ già hóa dân số,tốc độ già hóa dân số của chúng ta thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị APEC, vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á-Thái Bình dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”.
Toàn cảnh Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”
Đồng chí Thứ trưởng mong muốn rằng thông qua Hội nghị các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nước sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó tập trung vào một số trọng tâm như: Tổ chức hệ thống, mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm, năng lực của y tế cơ sở trong quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi;…
Hội nghị gồm 3 phiên toàn thể với các chủ đề: Chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Theo Moh