Hội nghị COP26: Việt Nam cam kết tham gia vào nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu

Hà Anh|08/12/2021 01:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều 7-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố kết quả Hội nghị Lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và hành động của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội thảo.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ hơn 450 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một thách thức lớn nhất, một vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu, cùng với đại dịch Covid-19 gây ra tác động kép và có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng nước biển dâng đang tác động đến cuộc sống của mọi người dân trên Trái đất, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Điều này đã đặt ra cho Hội nghị COP26 nhiệm vụ phải giải quyết một vấn đề hết sức hệ trọng với thế giới.

Quang cảnh hội thảo. 

Bộ trưởng cho biết, với việc bám sát, phân tích kỹ lưỡng diễn biến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo sát xu thế của thời đại, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời, quyết liệt để Việt Nam tham gia cùng các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào thành công của Hội nghị.

Cụ thể, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết để đạt được mục tiêu chung trong bối cảnh hiện nay còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong từng khối, nhóm nước. Nhiều nội dung cam kết hành động đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Theo Bộ trưởng, đây là những quyết định mang tính cách mạng và một quyết tâm chính trị lớn, bao gồm cam kết cùng cộng đồng thế giới đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane đến năm 2030, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch và tiến tới không sử dụng năng lượng hóa thạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

“Là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và mong muốn nhận được sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức, đóng góp tài chính để thực hiện nhiệm vụ cao cả, nhưng vô cùng khó khăn này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực thảo luận để ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác quan trọng, trong đó có các đối tác phát triển và các nước, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Bộ trưởng kêu gọi các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sớm triển khai các hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Trình bày kết quả hội nghị COP26 và triển khai thực hiện kết quả COP26 tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn nhận định, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái

Cùng với Gói Thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris cơ bản được hoàn tất, là cơ sở để các quốc gia triển khai Thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó biến đổi khí hậu.

“Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tấn cho hay.

Theo ông, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về 0 và tham gia cam kết giảm phát thải khí methane đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Nhấn mạnh phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển, ông Tấn cũng nêu những thách thức trong quá trình thực hiện tại Việt Nam. Cụ thể, việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn; nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào đón các phát biểu, ý kiến của các Đại sứ quán, các đối tác phát triển và các đại biểu tham dự.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã phát biểu, để triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kiên định với quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm ban hành Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone, xây dựng đề án phát triển thị trường carbon,…; thực hiện theo các hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris để hoàn thiện cơ sở pháp lý giảm nhẹ phát thải ở Việt Nam.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội nghị COP26: Việt Nam cam kết tham gia vào nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.