Hơn 3.500 cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại TP. Hồ Chí Minh

Minh Lâm|22/10/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Qua thời gian thực hiện tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an TP.HCM đã kiểm tra hơn 28.000 lượt cơ sở, xử lý hơn 3.500 cơ sở có hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, phạt tiền hơn 5,5 tỷ đồng

Thực hiện kế hoạch cao điểm tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác do Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Thành phố (Phòng PC07) chủ trì, trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với các đơn vị, địa phương.

Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố.

pccc.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống chữa cháy tại tầng hầm

Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức kiểm tra 3/3 cơ sở; Đoàn kiểm tra của Công an Thành phố đã kiểm tra 4/8 cơ sở chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.

Qua công tác kiểm tra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Công an Thành phố có thể nắm được cơ bản bức tranh toàn cảnh, thực trạng các tồn tại, bất cập từ đó có định hướng chỉ đạo căn cơ, lâu dài.

Qua gần 20 ngày triển khai thực hiện, Công an TP.HCM đã kiểm tra 28.378 lượt cơ sở; xử lý 3.592 cơ sở với 3.931 hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; phạt tiền hơn 5,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở và tạm đình chỉ hoạt động 40 cơ sở. Ngoài ra có 7 cơ sở trong lĩnh vực xây dựng, 123 cơ sở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 280 cơ sở trong đăng ký thường trú, tạm trú bị xử lý.

Các vi phạm chủ yếu là việc lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện, thiết bị đóng ngắt bảo vệ hoặc thiết bị điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; việc bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác gây cản trở lối thoát hiểm trong khu dân cư; cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm tại các khu dân cư không đủ số lượng hoặc không đúng kích thước theo quy định; không bảo trì, thay thế các thiết bị báo cháy, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bị hỏng.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nơi cư trú, Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng PC07, Công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho người dân...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3.500 cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại TP. Hồ Chí Minh