“Hốt bạc” nhờ trồng quýt tiến vua

Huy Đội|28/01/2018 09:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ông Hoàng Trọng Hiệu – Chủ tịch UBND xã Hương Toàn (TX Hương Trà – Thừa Thiên – Huế) thông tin, toàn thôn Giáp Kiềng có khoảng 109 hộ trồng quýt, đây là cây trồng giá trị kinh tế cao giúp người dân có thu nhập ổn định và làm giàu.

Những vườn quýt xanh tươi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thôn Giáp Kiềng

Gian nan gìn giữ giống quýt ngon

Cứ mỗi độ tháng 8 – 9 hằng năm, hàng chục ha quýt Hương Cần ở thôn Giáp Kiềng (xã Hương Toàn) lại vào mùa thu hoạch. Đến đây vào dịp này, có lẽ bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy thật dễ chịu, thư thái khi đi giữa vườn quýt rộng mênh mông với chi chít quýt chính vàng trên cây. Gió sông dưới sông Bồ thổi lên nhè nhẹ, mùi quýt chính phảng phất càng làm cho vùng quê vốn yên bình này lại trở nên thi vị hơn.

Trò chuyện với PV, các bậc cao niên thôn Giáp Kiềng không khỏi tự hào, cho biết quýt Hương Cần đã tồn tại ở thôn cả trăm năm nay. Vỏ quýt xốp mỏng như giấy, khi bóc tỏa mùi thơm đặc trưng, múi quýt màu hồng nhạt ăn vào vị ngọt và thanh nhẹ, đây là sản vật nổi tiếng địa phương dùng để tiến vua triều Nguyễn.

Quýt Hương Cần có màu vàng nhẹ, vỏ mỏng như giấy, khi ăn có vị ngọt đặc trưng

“Qua hàng trăm năm tồn tại, chịu nhiều tàn phá của chiến tranh, thiên tai dịch bệnh nên giống quýt Hương Cần bị thoái hóa dần. Khoảng độ chục năm trước nước sông Bồ dâng cao làm quýt trong vùng ngập nặng, chết dần chết mòn, có thời điểm gần như mất hút”, ông Hồ Công Hiến – Trưởng thôn Giáp Kiềng, trầm ngâm.

Rồi ông Hiến nói tiếp, nhân dân trong thôn tiếc giống quýt ngon mà ông cha ngày xưa để lại, ai cũng xót xa. Những cây không bị chết được bà con nâng niu chăm sóc kỹ lưỡng, đến khi cây khỏe thì chiết cành nhân giống cho những hộ muốn trồng.

Qua bao phen “lận đận”, quýt Hương Cân giờ không chỉ đứng vững trên mãnh đất Giáp Kiềng mà còn được nhân rộng trên địa bàn xã Hương Toàn, và một số vùng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Hiện diện tích quýt Hương Cần được trồng trên địa bàn thôn Giáp Kiềng lên đến hơn 12ha. Theo nhiều người dân thì đây là cây chủ lực phát triển kinh tế của thôn.

Người trồng quýt thôn Giáp Kiềng chăm sóc quýt theo quy trình được tập huấn và theo kinh nghiệm cha ông để lại

Cây làm giàu

Nhờ mùi vị thơm ngon đặc trưng nên quýt Hương Cần được người tiêu dùng ưa chuộng, người trồng quýt dần khấm khá hơn. Ông Hồ Công Tần (47 tuổi, thôn Giáp Kiềng) cho biết, Trước đây trồng cây này vất vả lắm, nước lũ ngâm dài ngày khiến quýt héo vàng rồi chết sạch. Nhưng nay thì có đỡ hơn trước rồi. Mỗi độ thu hoạch quýt thương lái các vùng khác về thu mua tận ruộng, đầu ra cây này đang dần ổn định hơn trước bởi chất lượng và mẫu mã quýt Hương Cần ngày càng được nâng lên”

“Hiện mỗi kg quýt có giá 35.000 – 40.000 đồng. Mỗi sào (500 m2) trồng được khoảng 25 gốc quýt cho thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trước đây, bà con ai cũng mừng”, ông Tần nói.

Theo người dân, quýt Hương Cần trồng trên đất màu mỡ, được sông Bồ bồi đắp nên năng suất trung bình đạt từ 100kg/cây, nếu chăm sóc tốt có thể tăng lên 150kg/cây. Về kỹ thuật chăm sóc quýt hiện nay bà con được các chuyên gia hướng dẫn rất kỹ.

Ông Hoàng Trọng Hiệu cho biết xã Hương Toàn đang có chủ trương mở rộng phát triển diện tích quýt Hương Cần

Ngoài ra, để giúp người trồng quýt nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thời gian gần đây “Câu lạc bộ quýt Hương Cần” do Hội Phụ nữ xã Hương Toàn thành lập còn mở thêm các lớp hướng dẫn, tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, tập huấn quy chuẩn trồng, chăm sóc quýt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Trọng Hiệu – Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, cho hay: “Hiện thôn Giáp Kiềng có khoảng 109 hộ trồng quýt, hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng 2 đến 3 sào, nhà trồng nhiều từ 8 đến 10 sào. So với cây lúa, quýt Hương Cần cho thu nhập cao và ổn định hơn. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao nên thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực khôi phục lại một số diện tích trồng quýt trước đây bị chặt bỏ. Thời gian tới, xã đã có chủ trương phát triển mạnh hơn loại cây này, tăng diện tích trồng tại các vùng bãi bồi và trong vườn dân lên 20ha”, ông Hiệu nói.

                                                                        Huy Đội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
“Hốt bạc” nhờ trồng quýt tiến vua
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.