Huyện Đan Phượng (Hà Nội) – Bài 2: UBND huyện đang “bỏ lọt” doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Thùy Dương|19/11/2018 11:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Liên quan đến hoạt động sản xuất gỗ ván ép và cốt pha, giàn giáo gây ô nhiễm môi trường của công ty CP đầu tư và xây dựng Bảo Hà (công ty Bảo Hà) như tòa soạn Môi trường và cuộc sống đã phản ánh. Ngay sau khi báo chí đăng tải, UBND huyện Đan Phượng đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai của công ty Bảo Hà. Tuy nhiên nội dung biên bản kiểm tra chỉ nhắc đến việc kiểm tra sản xuất giàn giáo của công ty Bảo Hà mà không hề nhắc đến việc sản xuất gỗ ván ép. Vậy có điều gì “uẩn khúc” trong vấn đề trên?

>>  Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Công ty Bảo Hà vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?

>>  Tp. Hà Nội – Bài 2: Huyện Thanh Trì có bất lực trước hành vi gây ô nhiễm môi trường của công ty Ngọc Hoàn?

>>  TP. Hồ Chí Minh: Trạm trộn bê tông Soam Vina hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Hằng ngày công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Hà và công ty Wincons sản xuất gỗ ván ép xả khói đen kịt ra môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý

Chính quyền bỏ lọt doanh nghiệp gây ô nhiễm

Như thông tin Moitruong.net.vn đăng tải ngày 22/10/2018 về công ty Bảo Hà tại điểm CN Cầu Gáo, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội trong quá trình sản xuất gỗ ván ép thường xuyên xả ra mùi hóa chất nồng nặc, cay xè những làn khói đen sì, bụi gỗ bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa công ty còn ngang nhiên dựng xưởng phun sơn cốt pha, giàn giáo giữa thanh thiên bạch nhật mà không có bất kì biện pháp che chắn gì khiến  mùi sơn độc hại nồng nặc phát tán ra phủ trắng mặt đất, lá cây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Đan Phượng trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và công tác kiểm tra, xử lý công ty Bảo Hà hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Đông Hiếu – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết: “Các đơn vị như báo chí thông tin chưa được cấp các thủ tục về bảo vệ môi trường, cần phải xử lý nghiêm”

Ngày 6/11 phóng viên Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đông Hiếu – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng. Trao đổi với phóng viên, ông Hiếu cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh của cơ quan báo chí  phòng tài nguyên và môi trường đã phối hợp với đội cảnh sát môi trường huyện, UBND xã Đan Phượng và công ty CP kỹ thuật và phân tích môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai đối với xưởng sản xuất giàn giáo của công ty Bảo Hà. Đến nay, công ty Bảo Hà chưa được cấp kế hoạch bảo vệ môi trường. Tại buổi làm việc đơn vị phân tích môi trường đã lấy mẫu không khí xung quanh để phân tích. Chúng tôi đang đợi kết quả phân tích mẫu rồi sẽ tham mưu cho ủy ban huyện thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với công ty Bảo Hà. Chắc chắn một điều vi phạm thì phải xử lý chứ không thể làm ngơ được.

Khi phóng viên hỏi về hoạt động phun sơn ngoài trời của công ty Bảo Hà như vậy là đúng hay sai. Ông Hiếu thông tin, theo báo cáo của công ty Bảo Hà hôm đó họ chỉ phun sơn 200 cây để làm mẫu cho khách hàng, còn các sản phẩm sản xuất hàng ngày không thực hiện phun sơn. Tuy nhiên dù là phun mẫu hay không nhưng không có buồng sơn như vậy là vi phạm luật bảo vệ môi trường rồi.

Công ty Bảo Hà ngang nhiên phun sơn giàn giáo ngoài môi trường

Theo tìm hiểu được biết xưởng sản xuất giàn giáo của công ty Bảo Hà hoạt động từ năm 2010, giám đốc là bà Đỗ Thị Ánh, giai đoạn từ năm 2010 đến 2016 công ty Bảo Hà thuê 700m2 đất của công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex). Giai đoạn từ 2017 đến tháng 8/2018 tạm dừng hoạt động sản xuất. Từ tháng 9/2018 đến nay tiếp tục hoạt động sản xuất giàn giáp trên diện tích khoảng 500m2 mượn của ông Bùi Đình Cảnh (thỏa thuận miệng).

Như vậy tiếp tục lộ ra nhiều sai phạm của đơn vị cho thuê đất là công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex). Theo tìm hiểu của PV công ty Foodex được giao đất để làm khu giết mổ gia súc, gia cầm nhưng sau khi hoạt động được một vài năm dự án đã dừng hoạt động mà thay vào đó là công ty cho hàng loạt nhà xưởng thuê đất và dựng xưởng sản xuất: gỗ dán, sản xuất bim bim, cơ khí, sơn tĩnh điện… mọc lên trên khu đất do công ty quản lý.

 Không chỉ có công ty Bảo Hà mà còn rất nhiều doanh nghiệp hoạt động  sản xuất với nhiều ngành nghề khác nhau và có tác động xấu tới môi trường. thế nhưng các cơ quan chức năng của huyện Đan Phượng đang bị thế lực nào đó “bịt mắt” nên nhắm mắt làm ngơ không phát hiện ra các sai phạm trên, mà chỉ đến khi báo chí phản ánh thì lúc đó mới tá hỏa vào cuộc kiểm tra, tuy nhiên khi kiểm tra đoàn đã bỏ lọt rất nhiều vi phạm về môi trường, đất đai… của các đơn vị trong khu đất của công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex) quản lý mà không có biện pháp xử lý quyết liệt.

Trách nhiệm UBND huyện Đan Phượng ở đâu?

Để làm rõ trách nhiệm của lực lượng công an huyện Đan Phượng trong công tác kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa các đơn vị hoạt động có dấu hiệu vi phạm luật bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với công ty Bảo Hà và các đơn vị thuê đất của công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex).

Sau nhiều lần phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Khanh – Trưởng công an huyện Đan Phượng để làm việc nhưng không được, chiều ngày 6/11 phóng viên đã trực tiếp qua trụ sở công an huyện đặt lịch làm việc và sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo công an huyện vào ngày 15/11. Tuy nhiên, từ đó đến nay phía công an huyện vẫn chưa bố trí làm việc và cung cấp thông tin cho phóng viên theo quy định của pháp luật và phóng viên chỉ nhận được câu trả lời của cán bộ Đội kinh tế môi trường công an huyện “lãnh đạo rất bận, chưa bố trí làm việc được và sẽ thông tin lại cho phóng viên sau”.

UBND huyện Đan Phượng đang có dấu hiệu “bỏ lọt” Công ty Wincons sản xuất gỗ ván ép gây ô nhiễm môi trường, khiến dư luận hết sức bất bình.

Sai phạm đã rõ như ban ngày, nhưng không hiểu sao đã nhiều năm trôi qua UBND huyện Đan Phượng chưa hề có biện pháp kiểm tra xử lý công ty Foodex. Khi phóng viên hỏi trong công ty Foodex có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động, ông Hiếu – Phó phòng TN&MT lưỡng lự một lúc rồi trả lời vấn đề này phòng cũng không nắm rõ và đang lên kế hoạch kiểm tra về đất đai đối với công ty Foodex. Sau đó phóng viên đã đề nghị ông Hiếu thứ 6 (ngày 9/11) cung cấp các hồ sơ liên quan cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên sáng thứ 6 phóng viên có gọi điện cho ông Hiếu về việc cung cấp hồ sơ thì vị này trả lời “mấy hôm nay tôi đang bận làm việc ở xã nên chưa cung cấp được.”

Một dấu hỏi lớn trong biên bản kiểm tra của UBND huyện Đan Phượng với công ty Bảo Hà được đặt ra là tại sao báo chí phản ánh cả việc sản xuất gỗ ván ép của công ty Bảo Hà nhưng trong biên bản lại không hề nhắc đến việc kiểm tra hoạt động sản xuất gỗ ván ép của công ty Bảo Hà. Vậy đơn vị sản xuất gỗ ván ép gây ô nhiễm môi trường kia là công ty nào? Phải chăng UBND huyện Đan Phượng đang “bỏ lọt” doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường?

Trong buổi làm việc, trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuấn – Chuyên viên phòng TN&MT huyện Đan Phượng thông tin: Xưởng sản xuất gỗ ván ép đó của công ty Ánh Hồng nay đã đổi tên thành công ty Wincons, giám đốc là ông Bình. Công ty Wincons cũng chưa được cấp bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

Tại sao báo chí phản ánh một đằng huyện lại kiểm tra một nẻo? Phải chăng sau lưng công ty Bảo Hà và công ty Wincons đang có một bàn tay to lớn nào đó đang đứng ra bao che? Trách nhiệm của UBND huyện Đan Phượng và công an huyện đến đâu?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo!

Thùy Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đan Phượng (Hà Nội) – Bài 2: UBND huyện đang “bỏ lọt” doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường