Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh: Công trình gần 10 tỷ chưa bàn giao xong đã xuống cấp

Theo Vũ Giang – T/c Môi trường và Cuộc sống)|23/11/2016 02:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Nhiều hạng mục của công trình hệ thống thủy lợi Đập Đá đã hoen gỉ, xuống cấp trầm trọng, khiến hàng trăm hộ dân tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bức xúc phản ánh đến Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

250ha bưởi khát nước

Tìm hiểu của phóng viên, được biết công trình Đập Đá xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu cho 80ha đồng lúa và 250ha trồng bưởi tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Vừa mới bàn giao đưa vào quản lý vận hành, khai thác sử dụng, nhưng chưa nghiệm thu các hạng mục công trình thì đã bộc lộ nhiều điểm yếu kém xuống cấp tại dự án này.

Untitled-9

Hệ thống đường ống đã bị rò rỉ nghiêm trọng

Công trình xây dựng Đập Đá được khởi công từ năm 2004, dự án có tổng mức đầu tư 9,7 tỷ đồng do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư. Đơn vị thiết kế là công ty tư vấn xây dựng số 9 Hà Tĩnh. Phần đường ống do công ty TNHH XD Bình An và công ty thủy lợi Hương Khê thi công. Phần đầu mối do công ty cổ phần xây dựng Xuân Hà thi công.

Biết thông tin về có dự án xây dựng Đập Đá phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc ta lúa và bưởi hàng trăm hộ dân xã Phúc Trạch vui mừng, phấn khởi mua đường ống, vòi bơm… chuẩn bị cho công tác sản xuất. Tuy nhiên, khi công trình đưa vào sử dụng thì lại không sử dụng được, một số đoạn đường ống dẫn nước đã hư hỏng, các khe đấu nối của đường ống dẫn bị rò rỉ, nước phun trào khắp nơi” bà Hoa người dân xóm 4 cho biết.

Untitled-8

Van điều khiển hoen gỉ do lâu ngày không hoạt động

Chỉ tay hướng về xa xa anh Hải người dân nơi đây nói, gia đình có gần 100 gốc bưởi, hàng năm cho thu hoạch hàng chục triệu đồng. Từ khi có dự án chúng tôi rất phấn khởi nhưng sau khi đi vào hoạt động đến nay không phát huy được hiệu quả khiến hàng trăn ha bưởi trên địa bàn héo queo, nhiều cây bưởi chết vì không có nước.

Có mặt tại hệ thống công trình này vào mùa mưa lũ nhưng trong bể chứa vẫn cạn trơ đáy. “Hương Khê là địa phương chịu nhiều hạn hán vậy mà công trình tưới tiêu tiền tỷ lại bỏ hoang hơn chục năm nay”, ông Đinh Công Ba, xóm 5 phân trần.

10 năm mới bàn giao được một hạng mục

Công trình xây dựng Đập Đá được khởi công từ năm 2004, sau một năm thi công, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, sau khi ấn khóa vận hành, hệ thống đường ống dẫn nước đã bộc lộ những sai sót. Các khe đầu nối của đường ống dẫn bị rò rỉ, nước phun trào ngập khắp vườn nhà dân.

Sau hơn 10 năm khởi công xây dựng đến năm 2015 công trình mới được bàn giao hạng mục phần Đầu mối . Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp trầm trọng,  khóa van hoen gỉ, nhà điều hành cỏ dại mọc um tùm, ống dẫn vỡ nhiều đoạn. Thực trạng này khiến nhiều người dân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên ông Trần Bá Quang, Giám đốc HTXDVNN cho biết, Công trình này chỉ mới bàn giao có một hạng mục để sử dụng nguồn nước để phục vụ cho ruộng lúa chứ các các hạng mục như ống dẫn, van khóa… chưa có bàn giao, ngoài ra công trình này cũng chưa nghiệm thu.

Nói về hiệu quả của công trình, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, ông Trần Quốc Khánh cho biết: “Công trình đi qua 7/11 xóm của xã Phúc Trạch với hơn 1.000 hộ dân. Phục vụ tưới tiêu cho 80ha đồng lúa và 250ha trồng bưởi. Khi được đưa vào sử dụng, công trình chỉ cung cấp nước cho cây lúa chứ không phục vụ được cho cây bưởi. Thời điểm ấn nút vận hành thì nước bị rò rỉ ở các đầu nối, tràn khắp vườn dân. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, chủ đầu tư đã nhiều lần cho sửa nhưng đến nay vẫn không sử dụng được”.

Những nguyên nhân tại sao một công trình tiền tỷ mới vận hành đã có biểu hiện hư hỏng, trách nhiệm của các bên liên quan ra sao sẽ được Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phản ánh trong số báo tiếp theo.

Theo Vũ Giang – T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh: Công trình gần 10 tỷ chưa bàn giao xong đã xuống cấp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.