Ông Medi Bastoni – 43 tuổi, cha của 4 người con – đã bắt đầu cuộc hành trình đầy gian nan của mình từ ngày 18/7, với mục tiêu có mặt tại Jakarta vào ngày 16/8 – một ngày trước Quốc khánh của quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Medi Bastoni đã đi bộ 700 km từ nhà của mình đến thủ đô Jakarta để phản đối nạn phá rừng.
Ông Bastoni đã phải đi bộ 20-30 km mỗi ngày dưới ánh Mặt Trời thiêu đốt, với một chiếc gương chiếu hậu được gắn vào ba lô để tránh va vào các vật thể. Trên đường đi, những người ủng hộ Bastoni đã cổ vũ ông, mời ông dùng bữa hoặc dọn chỗ cho ông nghỉ ngơi.
Đây không phải là lần đầu tiên ông thực hiện điều này. Năm ngoái, Bastoni cũng đã đi bộ 73 km, từ thị trấn Tulungagung thuộc tỉnh Đông Java đến đỉnh ngọn núi Wilis trong một nỗ lực tương tự nhằm kêu gọi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ rừng và trồng rừng.
Phát biểu với báo giới, ông cho biết: “Tất nhiên là tôi kiệt sức, nhưng tôi sẵn sàng làm điều này để chiến đấu cho thế hệ tiếp theo. Nơi tôi ở đang mất dần cây cối, vì vậy tôi phải làm một điều gì đó. Tôi có thể chịu đau và mệt mỏi. Tôi làm điều này để nêu cao nhận thức cho mọi người rằng rừng đang mất dần đi”.
“Nếu có cơ hội, tôi sẽ xin được gặp trực tiếp Tổng thống Joko Widodo, đề nghị ông lưu ý về nạn chặt phá rừng bừa bãi gây tổn hại môi sinh quanh vùng núi Wilis”, Ông M. Bastoni thổ lộ với báo giới địa phương.
Anh hi vọng việc này có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự tàn phá do nạn phá rừng gây ra trong hành trình đến thủ đô Jakarta và nhận hạt giống tượng trưng từ Tổng thống Joko Widodo.
Theo tổ chức Greenpeace, Indonesia hiện là quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới. Nạn phá rừng và khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến Indonesia trở thành quốc gia thứ tư góp phần nhiều nhất trong tình trạng khí hậu ấm dần lên, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Tú Anh (T/h)