Indonesia khuyến cáo người dân khu vực núi lửa Lewotobi Laki-Laki đi nơi khác sống

Lan Hạ|07/11/2024 08:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước mức cảnh báo cao nhất sau một số vụ phun trào từ núi lửa Lewotobi Laki-Laki, cơ quan chức năng yêu cầu người dân địa phương và khách du lịch tránh xa bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa. Hơn 2.600 gia đình sống tại khu vực xung quanh ngọn núi lửa được khuyến cáo di dời vĩnh viễn.

Ngày 6/11, Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) thông báo sẽ di dời vĩnh viễn hàng nghìn cư dân khỏi khu vực xung quanh núi lửa Lewotobi Laki-Laki trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Flores, sau khi núi lửa này phun trào trong những ngày gần đây khiến 9 người thiệt mạng.

Cơ quan chức năng đã nâng mức cảnh báo của núi lửa Lewotobi Laki-Laki lên mức cao nhất trong hệ thống 4 cấp sau một số vụ phun trào kể từ tối 3/11, yêu cầu người dân địa phương và khách du lịch tránh xa bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa. Hơn 2.600 gia đình sống tại khu vực xung quanh ngọn núi lửa đã được khuyến cáo di dời vĩnh viễn.

6-nui-lua.jpg
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki phun tro bụi lên trời cao 2 km khiến hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng

Ông Suharyanto - người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia, nhấn mạnh: "Không thể di chuyển ngọn núi. Chúng ta phải di chuyển. Chúng ta phải dọn sạch bán kính 7 km". Ông Suharyanto cũng cho biết thêm chính phủ sẽ giúp người dân địa phương di chuyển đến một khu vực mới hoặc xây nhà trên đất mà họ đã sở hữu. Người phát ngôn BNPB, ông Abdul Muhari cho biết quyết định trên là "một trong những bước giảm thiểu lâu dài" để chuẩn bị cho các vụ phun trào trong tương lai.

Núi lửa Lewotobi Laki-Laki đã phun trào 3 lần vào đêm 4/11, phun tro bụi lên trời cao 2 km, và phun trào trở lại vào ngày 5/11. BNPB cho biết hơn 10.000 người đã bị ảnh hưởng. Tuần trước đã xảy ra nhiều trận động đất và phun trào tại núi lửa này, tạo ra những cột tro bụi cao từ 500 - 2.000m lên trời trong nhiều ngày liên tiếp.

Ngọn núi lửa đôi Lewotobi Laki-Laki, cao hơn 1.700 m, nằm trên đảo du lịch nổi tiếng Flores, miền đông Indonesia.

Đêm 3/11, rạng sáng 4/11, ngọn núi lửa này phun trào đã tạo ra những quả cầu lửa thiêu rụi nhiều ngôi nhà xung quanh và khiến 9 người thiệt mạng.

Núi lửa còn phun lớp tro bụi bao phủ các khu vực lân cận, khiến chính quyền địa phương phải sơ tán người dân ở một số làng. Những ngôi nhà gần nơi núi lửa phun trào đang bị lớp tro bụi dày bao phủ, trong khi nhiều ngôi nhà đổ sập vì nham thạch từ núi lửa bắn ra.

Hồi tháng 1, núi lửa Lewotobi Laki-Laki từng xảy ra một số đợt phun trào, khiến chính quyền phải sơ tán ít nhất 2.000 cư dân.

Indonesia nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương, thường xuyên xảy ra các đợt phun trào núi lửa và địa chấn dữ dội. Tháng 12 năm ngoái, núi lửa Marapi ở Tây Sumatra phun trào, khiến ít nhất 24 người leo núi thiệt mạng, hầu hết là sinh viên đại học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Indonesia khuyến cáo người dân khu vực núi lửa Lewotobi Laki-Laki đi nơi khác sống
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.