Khai thác đá làm hủy hoại cảnh quan, môi trường ở Phù Cát (Bình Định)

25/03/2019 01:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, các hoạt động khai thác và vận chuyển đá tại khu vực Núi Bà – thuộc địa phận thôn Hưng Mỹ 1, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát (Bình Định) – gây sạt lở đất, kéo theo bụi bẩn và ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT); gây bức xúc trong nhân dân

Xẻ núi, gây bụi

Theo phản ảnh của các hộ dân ở thôn Hưng Mỹ 1 (xã Cát Hưng): Nhiều năm nay, tại khu vực Núi Bà thuộc địa phận thôn Hưng Mỹ 1 có 2 mỏ khai thác đá của Công ty TNHH đá Granite Đông Á (Công ty Đông Á) và Công ty TNHH Tân Long Granite (Công ty Tân Long) liên tục hoạt động. Ở các điểm mỏ khai thác, nhiều vạt núi rộng hàng trăm, hàng ngàn mét vuông bị đào bới tơi tả. Màu xanh cây cối biến mất, chỉ trơ đá với đá.

Ngoài ra, các khu vực khai thác đá đều có địa hình dốc, vách núi dựng đứng, nhưng đơn vị khai thác chưa xây dựng hệ thống hồ lắng, bãi thải, bờ kè đúng quy chuẩn kỹ thuật. Do đó, mỗi khi trời mưa, tình trạng sạt lở đất, đá; gây sa bồi đất lâm nghiệp ở khu vực lân cận mỏ đá thường xuyên xảy ra.

Khu vực Núi Bà thuộc thôn Hưng Mỹ 1 trở nên tan hoang do hoạt động khai thác đá

Ngoài việc khai thác đá tảng, Công ty Đông Á còn thực hiện xay đá (đá dăm, đá 1×2) tại khu vực mỏ, rồi bán lại cho những người có nhu cầu. Còn Công ty Tân Long để một số cá nhân, đơn vị vào khu vực mỏ đá múc đất, sau đó chở đi nơi khác tiêu thụ.

Những hoạt động này khiến lưu lượng container, ô tô tải ra, vào mỏ đá để chuyên chở đá tảng, đá dăm và đất tăng đột biến. Dù các công ty có rải nước trên đường vào mỏ để giảm bụi, nhưng do lượng xe quá nhiều, chạy liên tục nên mỗi khi các phương tiện lưu thông tại đây, bụi bẩn bay khắp nơi, tấp vào nhà một số hộ dân xung quanh. Những hàng cây ven đường bị lớp bụi bám dày vào lá, trở nên xác xơ; cành lá không còn màu xanh tự nhiên, mà chuyển sang màu xám.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Quá trình vận chuyển đá từ mỏ đi tiêu thụ, các phương tiện vận chuyển đá còn khiến giao thông bị tắc nghẽn. Nguyên nhân bởi tuyến đường tại khu vực ngã 3 vào mỏ đá và quốc lộ 19B nhỏ, hẹp; nhà của các hộ dân nằm san sát nhau. Các container chạy tới đoạn này để quay đầu nên gây cản trở giao thông. Ngoài ra, do đường hẹp, lại cua gấp nên rất dễ qua chạm vào nhà dân.

Bức xúc trước thực trạng này, người dân địa phương đã đứng ra ngăn chặn, không cho xe chở đá lưu thông. Việc làm này khiến giao thông tuyến QL 19B bị tắc nghẽn cục bộ. Sau khi có sự can thiệp của UBND xã Cát Hưng, tình hình giao thông mới được vãn hồi.

Ông Nguyễn Văn Thắng, nhà ở mặt tiền QL 19B, đối diện đường từ mỏ đá đi ra, lo lắng: “Đường từ mỏ đá đi ra QL 19B hướng thẳng vào nhà tui. Xe chở đá vừa to, vừa dài, lù lù chạy trên đường, lại chở khối lượng rất lớn nên gia đình tui luôn bất an. Nếu chẳng may xe mất lái, đâm thẳng vào nhà thì không biết sẽ ra sao”.

Nhiều khu vực đất đồi gần các mỏ đá bị đào bới, tạo hầm hố sâu

“Gần khu vực ngã 3 đường vào mỏ đá và QL 19B có 2 trường THPT và 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, vào buổi trưa và buổi chiều khi học sinh tan trường, đoạn đường này thường chật kín người. Đáng nói, đây cũng là lúc container chở đá tảng từ mỏ đá đi ra QL 19B nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT”, ông Trần Văn Công, trú thôn Hưng Mỹ 1, cho biết.

Về việc này, ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, xác nhận: Công ty Đông Á và Công ty Tân Long được cơ quan thẩm quyền cấp phép khai thác đá tại khu vực Núi Bà, thuộc địa phận thôn Hưng Mỹ 1; hiện 2 đơn vị còn phép khai thác. Việc vận chuyển đá từ mỏ ra QL 19B có gây bụi và mất ATGT, nhất là khu vực ngã 3 đường vào mỏ đá và QL 19B.

“UBND xã đã mời đại diện 2 công ty làm việc, đề nghị có biện pháp khắc phục bụi bẩn và đảm bảo ATGT khi vận chuyển đá trên đường. Hiện các đơn vị đang lên phương án mua đất lâm nghiệp của người dân, mở tuyến đường khác để vận chuyển đá. Tuyến đường mới nếu được mở sẽ dẫn từ khu vực mỏ đá đi thẳng lên Cụm công nghiệp Cát Nhơn (huyện Phù Cát). Khi tuyến đường này hình thành, quá trình vận chuyển đá sẽ không ảnh hưởng khu dân cư bởi đường đi ven theo đất rừng”, ông Thương cho biết thêm.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác đá làm hủy hoại cảnh quan, môi trường ở Phù Cát (Bình Định)