Khai thác khoáng sản hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu

Việt Bắc|06/10/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, nhất là khu vực đới ven biển. Song cũng chính khu vực này đang đứng trước nguy cơ đe dọa của biến đổi khí hậu (BĐKH).

khoang-san-1.jpg
Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên khoáng sản

Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động khai khoáng

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Cùng với đó, khai thác khoáng sản tập trung ở vùng núi cao, ven biển và đồng bằng, thêm vào đó một số vùng nguyên liệu và sản xuất phân bố trên các vùng có địa hình cao (sườn núi, núi) nên rất dễ bị tác động bởi trượt lở đất đá, lũ quét do mưa to, dài ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các tác động này khi bị gia tăng bởi biến đổi khí hậu cũng góp phần tàn phá cảnh quan các mỏ khoáng sản, gây khó khăn cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến quá trình đóng mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác.

Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, việc lập chiến lược khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây: Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng; Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, chống lãng phí; Nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng khoáng sản trong nước và khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội; Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến khoáng sản.

Chiến lược khoáng sản phải có các nội dung chính gồm: Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; Định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chiến lược khoáng sản được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ khác và các địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản.

Tuy nhiên, Chiến lược khoáng sản được ban hành trước khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, vì vậy, các mục tiêu đề ra chưa được lồng ghép với các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chiến lược khoáng sản cũng chưa quy định về nội dung Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo nội dung định hướng của Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Lồng ghép với các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu

Để khắc phục những bất cập trên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lồng ghép với các nội dung về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời thể chế các quan điểm, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW vào nội dung Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Theo đó, giữ nguyên nội dung quy định liên quan đến chiến lược khoáng sản, bổ sung quy định về định hướng chiến lược đối với tài nguyên địa chất cũng như công nghiệp khai khoáng gồm có: căn cứ, nguyên tắc lập chiến lược; nội dung cơ bản của chiến lược; kỳ chiến lược; trách nhiệm cơ quan chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược.

khoang-san-2.jpg
Chiến lược địa chất khoáng sản cần được gắn vào các nội dung về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó quy định: Việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau: Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; Bảo đảm tính phối hợp đồng bộ giữa hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trên phạm vi cả nước; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản.

Đồng thời, bảo đảm nhu cầu về khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; Kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản; Phù hợp với nguồn lực của Nhà nước theo từng thời kỳ.

Các nội dung chính của Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng gồm: Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; Định hướng điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; định hướng nghiên cứu khoa học trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản từng thời kỳ; phối hợp, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, còn có các nội dung: Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng; thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khai thác khoáng sản hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu