Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Khó hay dễ?

Việt Bắc|17/09/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, cần quy định một cách hợp lý tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với nhà sản xuất, đây là bài toán thách thức không hề đơn giản.

Bức tranh tái chế

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Ngành công nghiệp tái chế ra đời được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng rác thải ra ngoài môi trường. Đây còn là một bước đột phá mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch, khi mà ở thời điểm hiện tại các biện pháp để thay thế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần chưa thật sự khả quan và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Do đó, một trong những cách để giảm thiểu chất thải bao bì nhựa sử dụng một lần là chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Là thị trường đông dân gần cán mốc 100 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhanh của một đất nước đang trên đường phát triển đã tạo ra hệ quả là quá nhiều rác thải nhựa dùng một lần. Tỷ lệ tái chế khoảng 10% đã gây ra áp lực rất lớn cho môi trường. Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng tái chế nhựa đang là công việc có nhiều tiềm năng để phát triển.

tai-che-rac.jpg
Việc thu gom, tái chế nhựa giúp phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Việc tái chế nhựa ở nước ta phần lớn phụ thuộc vào những người thu mua đồng nát, phế liệu. Đây là nguồn đầu vào bấp bênh, rẻ và chất lượng rác cũng thấp. Đó là lý do chất lượng hạt nhựa khó cạnh tranh và ngành tái chế 40 năm của nước ta vẫn như một đứa trẻ, ông Vượng nói.

Nhận diện lợi ích khi tham gia EPR

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là công cụ mang tính đột phá của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (KTTH). Việc thực thi này là thách thức lớn đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp nhưng nó là xu hướng tất yếu với một số lợi ích cơ bản như: Thúc đẩy hệ thống, tái chế cả những loại bao bì và sản phẩm ít giá trị, khó tái chế đang gây ô nhiễm môi trường và làm quá tải các bãi rác như hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực thiết kế sản phẩm và bao bì sinh thái có khả năng thu gom, tái chế cao hơn, từ đó giảm chi phí và gánh nặng cho nhà tái chế. Ngoài ra, chính sách này có khả năng hỗ trợ ngành tái chế chuyển đổi hệ thống tái chế giản đơn, chất lượng thấp sang hệ thống chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại; tạo ra sản lượng tái chế lớn, chất lượng cao làm tăng thêm nhu cầu, tạo ra thị trường cho sản phẩm tái chế; hạn chế rủi ro tài chính cho các nhà tái chế do việc tái chế thiếu an toàn, khả thi về mặt kinh tế, kinh phí hỗ trợ từ EPR sẽ giải quyết vấn đề này.

Thực hiện chính sách mới, bắt buộc các doanh nghiệp phải thu gom, tái chế hoặc thuê doanh nghiệp thu gom, tái chế các loại bao bì và sản phẩm. Đây chính là động lực thúc đẩy làng nghề hình thành các doanh nghiệp tái chế đảm bảo môi trường, tạo ra thị trường thu gom phế liệu triệt để hơn, số lượng lớn hơn, đồng nghĩa với việc tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập.

Khi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính họ sẽ phải bắt tay với hệ thống thu gom phế liệu, tái chế, đồng nghĩa với việc hệ thống này được quan tâm, đặt vào vị trí cao hơn trong nền kinh tế.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, khi thực thi chính sách, mỗi làng nghề tái chế sẽ dịch chuyển thành 2 xu hướng, một số hộ tái chế lớn sẽ kết hợp để thành lập doanh nghiệp tái chế và di chuyển vào các khu công nghiệp, thực hiện tái chế đảm bảo về môi trường để được nhận kinh phí hỗ trợ, phần còn lại sẽ làm công việc thu gom, để cung cấp cho doanh nghiệp tái chế. Như vậy, việc tái chế tại các làng nghề sẽ giảm mạnh, bài toán ô nhiễm tại các làng nghề sẽ được giải.

Dự thảo quyết định về định mức chi phí tái chế bao bì

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm và bao bì sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm (gồm: pin, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt) và bao bì của: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 01/01/2024; với nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2027.

Tại dự thảo, định mức bao gồm: chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế. Chi phí áp dụng theo hệ số điều chỉnh, thể hiện hiệu quả tái chế, tức là sản phẩm, bao bì có hiệu quả tái chế cao có hệ số điều chỉnh thấp và ngược lại.

Dù đã có quá trình tham vấn khá kỹ lưỡng, nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều băn khoăn. Mới đây nhất, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị giảm định mức chi phí tái chế, chưa áp dụng xử phạt về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm giảm thiểu khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Xuất khẩu đến 90% các sản phẩm là bao bì, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp phải neo giá cạnh tranh hơn đối thủ trong khi đầu vào cái gì cũng tăng. Đến nay, dù vẫn giữ được đơn hàng, nhưng trước mắt chưa biết sao khi doanh nghiệp thuộc diện phải nộp phí tái chế thời gian tới.

Khi tính chi phí tái chế, nhiều ý kiến cũng cho rằng có thể bỏ qua yếu tố công nghệ, thị trường, nhưng nhất định phải tập trung vào những biến động của nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là khi giá cả thế giới liên tục biến động như hiện nay; mặt khác, cần tính toán sao cho chi phí tái chế không được thấp hơn so với chi phí mà hiện nay các doanh nghiệp phải chi trả cho các công ty xử lý chất thải rắn. Chỉ như vậy, các doanh nghiệp mới tự thay đổi phương thức sản xuất cũng như thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Trong đó cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại đối với môi trường của rác thải sinh hoạt; rác thải điện tử; pin, ắc quy, dầu, nhớt; phương tiện giao thông…, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng xanh.

Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì ngành tái chế Việt Nam sẽ phát triển, như 1 mũi tên trúng 2 đích, vừa góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, vừa tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nước phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Khó hay dễ?