Hưng Yên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Minh Lâm|05/09/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự thảo Quy hoạch đưa mục tiêu, đến năm 2037, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 3 quận, 2 thành phố, 5 thị xã, phát triển các đô thị Văn Giang, Mỹ Hào, Hưng Yên là các quận mới của thành phố, trong đó điều chỉnh tên gọi Thành phố Hưng Yên hiện hữu là quận Phố Hiến.

Tại phiên họp thẩm định quy hoạch ngày 31/8, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, là công cụ quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị để vươn lên trở thành tỉnh mạnh trong khu vực và cả nước, phấn đấu đến năm 2037 Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh Hưng Yên đã xác định 5 quan điểm, mục tiêu phát triển trong định hướng quy hoạch. Đầu tiên là phát triển dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh. Thứ 2 là phát triển nhanh, tạo bước đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, hình thành các khu chức năng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại.

Ba là phát triển bền vững, bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế.

Bốn là phát triển Hưng Yên theo hướng đô thị xanh, thông minh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển hài hòa các tiểu vùng của tỉnh.

Năm là phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

tp-hung-yen.jpg
Một góc TP Hưng Yên.

Mục tiêu tổng quát, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt ; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường.

Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hòa, có bản sắc văn hóa riêng, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

Hưng Yên chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố cơ bản (lao động chi phí thấp, tài nguyên thiên nhiên, chế biến thô) sang nền kinh tế định hướng hiệu quả (nền kinh tế có khả năng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, dựa trên lao động có kỹ năng, hiệu quả cao) trong giai đoạn 2021-2030 và sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo (nền kinh tế có khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo với công nghệ tiên tiến hàng đầu) trong thời kỳ 2031-2050.

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm đó là giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu đại học... Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiệm vụ tiếp theo là chuyển đổi cơ cấu lao động, đào tạo lao động có kỹ năng, tạo việc làm với thu nhập khá. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh. Cuối cùng là bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện, giảm ô nhiễm môi trường nặng tại các dòng sông, các khu vực tập trung doanh nghiệp công nghiệp, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, làng nghề...

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong hai tỉnh Bắc Bộ có địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có rừng, không có núi, không giáp biển; là tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông, là nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho Hà Nội, vùng Thủ đô và cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phía Bắc Hưng Yên giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây bắc giáp thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam lại được phù sa màu mỡ bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc tạo cho Hưng Yên những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, những đầm sen rộng lớn và những đặc sản ngon nổi tiếng như: nhãn lồng, mật ong, hạt sen…

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1802 di tích, trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 271 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 7 bảo vật quốc gia.

Bài liên quan
  • Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp quốc gia
    UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ Tư - TechFest Quang Nam 2023 với chủ đề "Lan toả khát vọng khởi nghiệp quốc gia", từ ngày 24-26/8.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hưng Yên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương