Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kỳ vọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Mai Nhân|28/09/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với tái chế, xử lý chất thải xuyên suốt vòng đời. Quy định này được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất, giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

tai-che.jpg
Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020

Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Sau đó EPR được thực hiện theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được áp dụng với 5 nhóm ngành hàng gồm: Ắc quy và pin; thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt các loại; săm, lốp và phương tiện giao thông. Trong đó, thời hạn thu hồi và xử lý được áp dụng cho phương tiện giao thông từ 1/1/2018 còn các nhóm còn lại từ 1/7/2016. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn khiêm tốn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường về thể chế với nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường. Một trong những thay đổi đó là quy định về EPR. Lần này EPR được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Điều 54 và 55 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra hai công cụ chính sách hướng tới nhà sản xuất, nhập khẩu, bao gồm trách nhiệm đóng góp tài chính và trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm bị thải bỏ sau quá trình sử dụng. Đây cũng là hai công cụ chính sách nền tảng để thực hiện các tiếp cận EPR trong quản lý chất thải rắn, được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất. Điều 55 quy định trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất. Điều 54 nêu rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì; tổ chức, cá nhân phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hàng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp đã đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì; đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm; việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Theo đó tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính, vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì. Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 (Nghị định 08) quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập cảnh, với trách nhiệm tái chế nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói của mình đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc từ Điều 77 đến điều 79 tại Chương VI: Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để đưa ra thị trường Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo lộ trình sau đây: Bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt; săm lốp: từ ngày 1/1/2024; Sản phẩm điện, điện tử: từ ngày 1/1/2025; Phương tiện giao thông: từ ngày 1/1/2027.

Điều 78 của Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ định nghĩa tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc. Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm. Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức tổ chức tái chế như: Tự thực hiện tái chế; thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái; kết hợp cách thức nói trên. Đồng thời các nhà sản xuất, nhập khẩu không tự thực hiện tái chế khi không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

EPR là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại

EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

Theo Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng hiện nay. Văn kiện Đại hội Đảng mới đây đã có chủ trương xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, và EPR là một trong những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn.

“EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR, và EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”, ông Hùng khẳng định.

“EPR giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay. Cơ chế này bảo đảm sự tuần hoàn tài nguyên, khép vòng giữa chất thải và nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất, do đó giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài”, ông cho hay.

Cũng theo ông Hùng, EPR là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại, điều hướng các nguồn rác thải phục vụ tái chế vào các cơ sở tái chế thân thiện môi trường. Nếu nhìn ở góc độ khái quát hơn, rộng hơn, EPR là một cơ hội chia sẻ lợi ích, gánh nặng của các bên.

Theo chuyên gia chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng, bên cạnh là một công cụ giúp giải quyết vấn đề quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, EPR cũng nên được nhìn nhận ở góc độ một công cụ giúp cải cách hệ thống quản lý rác thải rắn ở Việt Nam trong tương lai.

tai-che-1.jpg
Tái chế rác thải nhựa vừa bảo vệ môi trường vừa mạng lại giá trị kinh tế

EPR là một trong những giai đoạn quan trọng của kinh tế tuần hoàn

Cơ chế trong thu hồi, xử lý, tái chế sản phẩm thải bỏ (EPR) là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) mà chúng ta đang hướng đến. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm tái chế sản phẩm sau sử dụng và chất thải bao bì của sản phẩm đóng gói bán ra thị trường. EPR không chỉ quản lý hiệu quả chất thải rắn mà đặc biệt là chất thải nhựa ở Việt Nam hiện nay. EPR yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, góp phần giảm chi phí quản lý sản phẩm tới cuối vòng đời. Do đó, EPR là một trong những giai đoạn quan trọng của KTTH, tạo lợi ích kinh tế thông qua tạo ra thị trường tái chế, việc làm.

Thực hiện KTTH không phải hy sinh lợi ích kinh tế để đạt được các mục tiêu về môi trường, mà thực hiện sẽ có tác động tích cực tạo việc làm, cạnh tranh nền kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, giúp gia tăng lợi ích của doanh nghiệp và cả xã hội. Trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm của KTTH, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, người tiêu dùng, các tổ chức và người dân đều đóng vai trò quan trọng trong thực hiện.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, nhà nước đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích để thực hiện KTTH, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ; thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải bỏ… Đây chính là cơ hội, bởi những lợi ích hiện hữu mà EPR mang lại cho doanh nghiệp, môi trường và xã hội.

Theo đó, doanh nghiệp nâng cao được uy tín, thương hiệu đối với cộng đồng xã hội, về mặt xã hội, EPR góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý chất thải tại nhà, hình thành các đội ngũ thu gom, tái chế phi chính thức cũng như loại bỏ các cơ sở tái chế không đủ điều kiện, góp phần giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp khi tạo ra các công việc mới. Đối với môi trường, EPR giúp tăng tỷ lệ tái chế, giảm phát thải ra môi trường.

Tuy nhiên, để thực hiện EPR thành công và xây dựng được các mô hình KTTH, doanh nghiệp sẽ gặp không ít thách thức từ công nghệ, vốn, thời gian và chi phí cơ hội. Ngoài ra, còn có các thách thức khác từ phía cộng đồng xã hội như: Thói quen tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm; tuần hoàn tài nguyên mà trong đó thách thức nhất là sự đồng bộ, thống nhất trong thiết kế sản phẩm giữa các nhà sản xuất; hình thành các chuỗi giá trị của mô hình KTTH.

Theo lộ trình thực hiện KTTH, trước ngày 31/12/2023, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH, đồng thời ban hành bộ tiêu chí KTTH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì? Là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kỳ vọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam