Giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững

Lương Nguyễn|26/09/2023 15:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tiếp nối những hiệu quả và thành công đạt được, Vietstock 2023 - triển lãm đầu ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam đã chính thức khởi động, hứa hẹn đem đến nhiều giá trị thiết thực cho việc phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.

Sáng ngày 26/9, tại Hà Nội diễn ra họp báo Vietstock 2023. Chương trình do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Infomamarkets tổ chức.

26-lg(1).jpg
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thông thông tin về triển lãm Vietstock 2023 tại họp báo sáng ngày 26/9

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin: Chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, ngành luôn đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua, chiếm hơn một phần tư tỷ trọng (27%) trong đóng góp GDP chung toàn ngành trong nửa đầu năm 2023. Năm 2022, ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng ghi nhận sự phát triển năng động, lợi nhuận đạt 21 tỷ đô la, tương đương với mức tăng trưởng từ 5% đến 6% so với năm 2021.

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu, đạt 50 triệu người vào năm 2030. Với dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hoá cao và thu nhập của người dân tăng mỗi năm tại cả khu vực nông thôn và đô thị, đem lại cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong những năm gần đây giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã mở đường cho các sản phẩm ngành chăn nuôi trong nước tham gia vào những thị trường có mức tiêu thụ cao. Với sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng tích cực từ chính phủ cũng như sự phát triển của công nghệ, ngành chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 4% đến 5% vào năm 2025 và 3% đến 4% trong giai đoạn từ 2026 tới 2030.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: Thứ nhất, phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu khoảng 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu này là điểm yếu của ngành chăn nuôi khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động phức tạp và khó lường.

Thứ hai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Thiên tai, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra liên tục trong những năm gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã gây ra vấn đề “sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu rất ít”. Vì vậy, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là một trong những giải pháp mà Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam rất quan tâm và đầu tư thực hiện.

Những giải pháp thúc đẩy chăn nuôi bền vững

Cũng theo ông Thắng, chăn nuôi đảm bảo phúc lợi động vật, vấn đề xử lý chất thải thân thiện môi trường. Đây là chủ trương không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam cũng đã và đang được quan tâm. Vì vậy, người chăn nuôi, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi cần nâng cao nhận thức về vấn đề xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, tín chỉ carbon giảm gánh nặng của ngành chăn nuôi đối với môi trường và mang lại nguồn lợi cho người chăn nuôi cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Cục Chăn nuôi đang phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các tổ chức quốc tế thực hiện kiểm kê lại số tín chỉ carbon trong chăn nuôi.

Nhằm đáp ứng xu hướng tất yếu của thế giới về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chủ trương của Chính phủ, Bộ, ngành đã có những bước đi, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm chăn nuôi được chăn nuôi trong điều kiện đảm bảo phúc lợi động vật, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Liên quan đến những giải pháp phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, ông Dương Tất Thắng nói thêm: Vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi được các nước trên thế giới, cộng đồng quốc tế rất quan tâm. An toàn sinh học giúp giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại và dịch bệnh trong chăn nuôi cũng như giảm giá thành sản phẩm.  Trong đó an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho vật nuôi. Vấn đề an toàn sinh học được các nước phát triển áp dụng ở cấp quốc gia, cấp vùng.

Giải pháp lâu dài, theo ông Thắng, ngành chăn nuôi tập trung vào ba trụ cột chính gồm: Giống, thức ăn và môi trường công nghệ. Trong đó, Cục Chăn nuôi đã xây dựng đề án phát triển giống công nghiệp; Xây dựng đề án phát triển thức ăn công nghiệp; Xây dựng đề án phát triển môi trường công nghệ. Ngành đặc biệt quan tâm tới vấn đề xử lý phụ phẩm trong chăn nuôi đảm bảo môi trường. Ngành đang hướng tới xử lý phụ phẩm trong chăn nuôi thông qua việc tái chế, biến chất thải thành nguồn tài nguyên hữu ích (biến chất thải thành điện, phân hữu cơ, khí...) phục vụ lại quá trình sản xuất trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ngành cũng đang đẩy mạnh nhận thức của người chăn nuôi trong việc ứng phó với thiên tai, hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, không đánh đổi môi trường bằng cách xử lý vấn đề môi trường ngày từ trong các trang trại, nông hộ.

nganh-chan-nuoi.jpg
Chăn nuôi theo mô hình Organic là xu hướng tất yếu trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Vietstock 2023 mang đến nhiều giá trị thiết thực cho ngành chăn nuôi

Triển lãm và Hội thảo Vietstock Expo & Forum 2023 lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 11 – 13/10/2023. Triển lãm dự kiến thu hút hơn 350 doanh nghiệp và 11.000 khách tham quan, chuyên gia là các thành viên trong chuỗi giá trị chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt tạị Việt Nam và các nước lân cận.

Triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động bên lề như: Chương trình Hội thảo quốc tế, Hội thảo kỹ thuật nhằm mang đến các hoạt động bổ ích, cung cấp kiến thức chuyên cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi; Chương trình Kết nối Doanh nghiệp miễn phí dành cho đơn vị trưng bày và khách mua hàng giao thương tại triển lãm. Sự kiện triển lãm không chỉ là diễn đàn kinh doanh hoàn hảo trưng bày các công nghệ và sản phẩm ưu việt mà còn là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kiến thức chuyên ngành mới cũng như cơ hội được vinh danh trong ngành chăn nuôi.

Vietstock 2023 là một phiên bản đặc biệt, là sự kiện đánh dấu Vietstock chính thức trở thành triển lãm thường niên. Được tổ chức từ năm 2004, Vietstock thấu hiểu thị trường cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi Việt Nam. Triển lãm Vietstock 2023 được tổ chức đồng thời cùng Triển lãm Aquacuture Vietnam 2023, đây sẽ là điểm đến toàn diện của ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt. Triển lãm Vietstock 2023 với sự tham gia của hơn 350 đơn vị triển lãm, dự kiến thu hút hơn 11.000 khách tham quan chuyên ngành đến từ hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ.

Thuộc khuôn khổ triển lãm Vietstock 2023, Vietstock Award 2023 được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với 11 lần trao giải, Vietstock Awards sẽ xướng tên vinh danh những doanh nghiệp và tổ chức có những hoạt động tiêu biểu và nổi trội trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Với 18 giải thưởng lĩnh vực chăn nuôi và 07 giải thưởng lĩnh vực thủy sản, Vietstock Awards 2023 nhận được sự hưởng ứng và tham gia đề cử của đông đảo doanh nghiệp chăn nuôi & thủy sản nổi bật trong và ngoài nước. Giải thưởng sẽ được công bố vào ngày đầu tiên diễn ra triển lãm, ngày 11/10.

Vietstock luôn làm mới mình với rất nhiều chương trình và hoạt động phong phú. Không dừng lại ở triển lãm B2B, Vietstock là người bạn đồng hành, là cầu nối kinh doanh của ngành chăn nuôi Việt Nam và khu vực. Là sự kiện góp phần hiện đại hóa ngành chăn nuôi, Vietstock giúp đơn vị triển lãm và khách tham quan kết nối nhanh chóng chỉ với một vài thao tác trên ứng dụng Leadex. Tiếp nối nền tảng kết nối kinh doanh trực tuyến, không gian kết nối trực tiếp đảm bảo tính chuyên nghiệp, trang trọng và lịch sự sẽ được Vietstock chuẩn bị sẵn sàng tại Khu vực Match & Meet. Cùng rất nhiều các hoạt động khác như: Khu gian hàng Trứng (Eggcellent Theater); Khu gian hàng Phát triển Bền vững; Khu vực Giới thiệu công nghệ và sản phẩm…

Vietstock không chỉ là diễn đàn kinh doanh toàn diện mà còn là diễn đàn khoa học sáng tạo. Vietstock 2023 mang đến đa dạng các hội nghị và hội thảo với các chủ đề chuyên ngành như: Nuôi trồng thủy sản; Chăn nuôi gia cầm và gia súc; Chăn nuôi bò sữa & bò thịt; Năng lượng tái tạo từ chất thải chăn nuôi; Dinh dưỡng & Thức ăn chăn nuôi; Phúc lợi động vật và hội nghị Bàn tròn các Hiệp hội chăn nuôi khu vực ASEAN. Chuỗi hội nghị và hội thảo kỹ thuật sẽ được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày diễn ra triển lãm.

Thông tin triển lãm VIETSTOCK 2023

1. Hình ảnh Vietstock
2. Về Vietstock 2023
3. Có gì mới tại triển lãm đầu ngành chăn nuôi Vietstock 2023
4. Chuỗi hội nghị & hội thảo kỹ thuật thuộc khuôn khổ triển lãm Vietstock 2023
5. Vietstock Awards 2023 – giải thưởng ngành chăn nuôi & thủy sản lần thứ 11
6. E-buyer’s guide thông tin triển lãm
7. Nền tảng kết nối trực tuyến
8. Chuỗi hội thảo đầu bờ do vietstock tổ chức trước triển lãm
9. Chuỗi hội thảo chăn nuôi do vietstock tổ chức tạo tiếng vang lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững