Ngành chăn nuôi thêm nhiều nỗi lo về dịch bệnh

Minh Anh (t/h)|09/01/2020 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cuối năm ngành chăn nuôi Hà Nội lại phải gánh thêm nhiều nỗi lo từ nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm.

Dịp cuối năm, thời tiết mưa nắng thất thường, nhất là mưa phùn, không khí ẩm thấp, môi trường ô nhiễm là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh gia súc, gia cầm trỗi dậy. Hơn nữa, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong thời gian tới vẫn rất cao, do chưa có vaccine phòng bệnh, mầm bệnh đã tồn lưu trong môi trường lớn. Thực tế từ nhiều năm trước cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cúm gia cầm… thường xảy ra vào những dịp cuối năm, gây thiệt hại không hề nhỏ cho người chăn nuôi. Thêm vào đó, cuối năm, lưu lượng vận chuyển mua bán gia súc, gia cầm qua TP tăng cao, nếu không được kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Ảnh minh họa

Thiệt hại do DTLCP và tình trạng người dân dè dặt tái đàn khiến sản lượng thịt lợn thiếu hụt lớn. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân Hà Nội trong dịp Tết tăng cao, khoảng 22.300 tấn thịt hơi/tháng (tăng khoảng 20% so với các tháng thường). Lượng thịt lợn thiếu hụt này đã được TP bù đắp từ việc tăng sản lượng từ các đối tượng vật nuôi khác như đàn bò 134.500 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 40,1 triệu con, tăng 14,3% và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.

Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay đã có một số tỉnh, thành xuất hiện dịch lở mồm long móng gia súc, chủ yếu trên đàn trâu, bò. Hơn nữa, bệnh thường ghép với bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và viêm phổi nên gây tử vong rất nhanh. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi. Ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi khi tái đàn, đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Cùng với đó, các địa phương phải làm tốt công tác quản lý vận chuyển con giống vào, ra trên địa bàn, kiên quyết xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đưa toàn bộ gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tập trung khuyến khích phát triển đàn lợn ở các cơ sở đủ điều kiện về chuồng trại, dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh. Ngoài ra phát triển mạnh bò thịt và gia cẩm để bảo đảm nguồn thịt lợn thiếu hụt.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Quan trọng nhất là mỗi người khi mua thịt lợn hãy chọn các cơ sở, cửa hàng có uy tín, thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm dịch, cơ sở giết mổ, trang trại chăn nuôi bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn, góp phần thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn, giúp người chăn nuôi và ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành chăn nuôi thêm nhiều nỗi lo về dịch bệnh