Khánh Hòa bệnh viêm da nổi cục trâu bò lây lan

Minh Anh|20/07/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục bùng phát (VDNC), đặc biệt không để xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”, công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên gia súc đang được các cấp, ngành và địa phương tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện quyết liệt.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, những ngày giữa tháng 7 này, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên bò đã xuất hiện trên địa bàn huyện miền núi Khánh Vĩnh. Cụ thể, ngày 12/7, bệnh VDNC trên bò xuất hiện trên 10/30 con tổng đàn bò tại 7 hộ chăn nuôi bò của 2 thôn Cà Hon và Ba Dùi, xã Khánh Bình.

Tiếp đến, ngày 14/7, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra phát hiện thêm 6 hộ (gồm 5 hộ mới và 1 hộ cũ) thôn Cà Hon, xã Khánh Bình có 10/26 con tổng đàn bò mắc bệnh. Bên cạnh đó, 3/5 con bò của một hộ thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp và 3/16 con bò của 2 hộ thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông bị mắc bệnh.

Ảnh minh họa

Đến ngày 15/7 cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 7/18 con bò của 5 hộ tại các thôn Cà Hon, Ba Dùi, Bến Khế, xã Khánh Bình mắc bệnh. Như vậy, tính từ 12/7 đến 15/7 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh bệnh VDNC trên bò đã xảy tại 20 hộ chăn nuôi của 5 thôn, 3 xã (Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông) làm 33/95 con bò mắc bệnh.

Các hộ chăn nuôi này không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi. Hiện tổng đàn bò tại 3 xã đang có dịch có khoảng 642 hộ chăn nuôi với 2.558 con bò (xã Khánh Đông 132 hộ với 368 con, xã Khánh Bình 230 hộ với 980 con bò, xã Khánh Hiệp 280 hộ với 1.210 con bò).

Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh VDNC tại huyện Khánh Vĩnh được cho là do bò tiếp xúc với các phương tiện vận chuyển gia súc từ các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk đi ngang qua tỉnh lộ 8. Cùng với đó trong quá trình nuôi, người chăn nuôi không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng cho trâu, bò và thuốc tiêu diệt côn trùng gây bệnh như muỗi, ruồi, ve…; không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch bệnh VDNC theo quy định; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát trâu, bò. Kịp thời phát hiện trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổng vệ sinh, sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi, phun thuốc diệt côn trùng, véc tơ truyền bệnh: ruồi, muỗi, ve, mòng… Chuẩn bị vật tư, hóa chất dụng cụ nhanh chóng kiểm tra, lấy mẫu đàn bò có dấu hiệu mắc bệnh và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đặc biệt là tại xã có dịch và khu vực xung quanh.

Các biện pháp phòng tránh dịch viêm da nổi cục:

Tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Tổ chức tiêu hủy toàn bộ trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục, hoặc trâu, bò trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục.

Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh.

Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch.

Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tất cả các địa phương đã phát hiện có bệnh Viêm da nổi cục; trong đó lưu ý, ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển trâu, bò ra khỏi địa bàn xã.

Tổ chức kê khai số lượng trâu, bò, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi, nuôi nhốt trâu, bò.

Thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các giải pháp cụ thể về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa bệnh viêm da nổi cục trâu bò lây lan