Khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn tạo động lực mới cho phát triển KT-XH, nhất là ngành Du lịch, phát triển đô thị và bất động sản không chỉ tại hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền Trung…
Việc khơi thông sông Cổ Cò thúc đẩy phát triển KT-XH của hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam.
Sông Cổ Cò, còn gọi là Lộ Cảnh Giang, nối từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), với chiều dài khoảng 28km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Nam khoảng 20km; là tuyến đường thủy giao thương quan trọng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Cuối thế kỷ XIX, sông bị bồi lấp, gãy đứt thành nhiều đoạn.
Khớp nối quy hoạch quản lý sông Cổ Cò từ Đà Nẵng đi Quảng Nam gắn liền giao thông thủy nội địa thành trục đô thị kết nối Quảng Nam, Đà Nẵng qua đô thị Điện Nam Điện Ngọc là cần thiết, vì sông Cổ Cò không chỉ là sông mà còn có đô thị, trục đô thị, đi cùng với nó là giao thông hai bên bờ, các đường giao thông qua sông, công viên cây xanh… nên cần quy hoạch bài bản. Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ thống nhất tìm kiếm đơn vị tư vấn có tầm để tổ chức quy hoạch tốt nhằm không chỉ hồi sinh con sông lịch sử mà còn hướng đến phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai. Đặc biệt, sẽ thành lập ban điều phối chung nhằm quản lý tốt dự án khai thông sông Cổ Cò và nhiều vấn đề chung khác.
Việc khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai nhằm tạo động lực mới cho phát triển KT-XH không chỉ cho hai địa phương mà còn có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung và cả nước.
Về quy hoạch hai bên sông Cổ Cò, ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho rằng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này là đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho khu vực, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, kiểm soát phát triển theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan…
Với những lý do trên thì việc lập thiết kế đô thị khu vực tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là thực sự cần thiết. Về ý tưởng thiết kế đô thị tổng thể định hình toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An, theo ông Ngô Ngọc Hùng, đó là chuỗi công viên văn hóa – lịch sử – sinh thái Quảng Nam được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích khoảng 408ha.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Dự án khơi thông sông Cổ Cò, nối cửa Hàn tới Cửa Đại nhằm hình thành tuyến giao thương, du lịch đường thủy để phát triển KT-XH…
Minh Châu (t/h)