Mức độ bụi, ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện nay có thể so sánh với các nước trong khu vực và đạt đỉnh của thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc) – nơi người dân phải đeo khẩu trang chuyên dụng, phòng độc khi ra đường.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí những ngày gần đây, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với TS.BS Cao Hồng Phúc, Giảng viên Học viện Quân y 103 (Hà Nội), để làm rõ những vấn đề đang được quan tâm.

Theo chuyên gia, vì sao bụi không khí lại xuất hiện nhiều thời điểm này?

– Thật ra bụi không khí có thể xuất hiện ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như công tác vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị. Nếu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra quá nhanh, không chú ý đến vệ sinh môi trường, bụi không khí sẽ xuất hiện với mức độ nhiều.

Ví dụ, việc thi công các khu đô thị, các tòa nhà chung cư hoặc các khu biệt thự, không được thực hiện nghiêm túc và đi cùng với vệ sinh môi trường, việc phá dỡ và xây dựng sẽ tạo ra rất nhiều bụi từ to đến nhỏ. Các xe tải làm rơi vãi vật liệu xây dựng ra đường, các phương tiện giao thông cùng với nắng, gió, sẽ làm bụi bốc lên không khí và đi vào cơ thể nếu chúng ta hít phải. Vì vậy, bụi không khí có thể xuất hiện mức độ nhiều ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm tùy vào tình trạng hiện tại của thành phố mà bạn đang sống.

Mức độ ô nhiễm của Việt Nam có thực sự đáng lo ngại? Quốc gia nào có tình trạng như nước ta không?

–  Hiện tại, không có số liệu cụ thể về mức độ ô nhiễm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức độc lập quốc tế thì mức độ bụi, ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện nay là khá cao. Tới mức có thể so sánh với các nước trong khu vực và đạt đỉnh của thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc) khi có người phải đeo khẩu trang chuyên dụng, phòng độc khi đi ra đường. Thậm chí, khả năng quan sát của con người còn bị hạn chế. Ở một số vùng của Hà Nội, tầm nhìn đã giảm xuống còn dưới 500-1.000 m. Điều đó cho thấy mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Cơ chế tác động của bụi không khí đến cơ thể người?

– Có 2 cơ chế tác động của bụi không khí đến cơ thể con người. Về cơ chế cơ học hoặc vật lý, bụi bám vào bề mặt của đường hô hấp, từ mũi, khí quản, phế quản, đến phế nang. Tùy vào vị trí bám, bụi sẽ gây các rối loạn hô hấp khác nhau. Bụi bám vào hệ thống lỗ mũi hoặc hệ thống khí quản sẽ gây ra hắt hơi, ho. Nếu bám vào sâu hơn như phổi, phế nang sẽ gây ra quá trình dày hóa màng hóa hô hấp, suy giảm quá trình trao đổi khí và lâu dần dẫn tới nhiều bệnh lý khác nhau như bụi phổi.

Về cơ chế hóa học, tùy thuộc vào kích thước bản chất của phổi mà gây ra các phản ứng khác nhau của cơ thể. Phản ứng kích thích hệ hô hấp gây ra hắt hơi, chảy nước mũi, cay mắt; có thể gây ra các phản ứng viêm của cơ thể làm dày hóa màng hô hấp như làm dày màng phổi trong các trường hợp bụi silic, amiăng. Tất cả trường hợp dày hóa màng phổi sẽ dẫn tới suy hô hấp.

Tác động từ những hạt bụi gây ra do côn trùng, ký sinh trùng có thể gây ra các bệnh ký sinh trùng kèm theo. Nếu mang theo trứng giun, nấm, chúng có thể gây ra bệnh nấm phổi hoặc bệnh nhiễm giun. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc các bệnh lý này khá thấp, chỉ gặp ở trường hợp người bệnh bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.

Vì sao ô nhiễm không khí được xem là sát thủ giết người?

– Các tác động của môi trường đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, trong đó có tác hại của bụi. Thực chất, các tác động từ môi trường đều có hại như nhau, chứ không chỉ riêng bụi mới đáng sợ. Bụi có thể gây ra những tác động, rối loạn sức khỏe từ nhỏ như ngứa ngáy, khó chịu hệ hô hấp đến nặng hơn như ho, sốt, khó thở, thậm chí, có thể gây ra suy hô hấp.

Nhưng người ta buộc phải chú ý đến bụi và tác hại của chúng vì không nhìn thấy được. Những hạt bụi nhỏ, không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại được chúng ta hít thở hàng ngày. Chúng ta vẫn không biết và bụi tiếp tục gây ra hiệu ứng tích lũy. Chúng gây suy giảm sức khỏe một cách thầm lặng mà ta không phát hiện ra. Khi phát hiện ra thì đã muộn. Vì vậy, người ta coi bụi có tác động thầm lặng đến sức khỏe chứ không phải ngay lập tức.

Những người mắc bệnh lý hô hấp được cho là dễ bị tác động do ô nhiễm không khí. Những đối tượng này có cần được chăm sóc đặc biệt?

– Mọi người đều có nguy cơ bị tác động sức khỏe bởi bụi không khí. Tuy nhiên, những đối tượng khác nhau sẽ chịu tác động khác nhau. Trẻ em, người già là đối tượng dễ bị tác động và gặp rối loạn sức khỏe do không khí. Còn những người bị mắc bệnh lý hô hấp dễ bị tác động vì 3 lý do: Hệ hô hấp không còn khỏe mạnh, giảm lớp dịch nhầy, giảm lượng kháng thể bề mặt, độ bền vững của lớp niêm mạc bề mặt hô hấp yếu ớt vì vậy dễ bị tổn thương, bụi dễ dàng đi sâu xuống phía dưới của phổi so với người bình thường. Một bệnh nhân hô hấp bị chứng tăng tiết dịch nhầy, lớp dịch nhầy này sẽ dính các hạt bụi lại ở ngay cửa ngõ cơ thể, tạo thành đờm bẩn như đờm ở mũi, họng, khí quản, gây ra các hiện tượng viêm mũi, viêm họng, viêm khí quản.

Những người mắc bệnh lý nặng hơn như viêm phế quản mạn tính, bệnh siêu vi, khí phế thũng, bản thân chức năng hô hấp của họ đã bị suy giảm, nếu nhiễm thêm bụi không khí, chức năng hô hấp nhanh bị suy giảm nhanh hơn, nặng hơn, dễ bùng phát.

Thời điểm nào trong năm số ca bệnh liên quan đến bụi không khí gia tăng?

– Đó là thời điểm mùa hè hoặc thu đông. Vào mùa thu đông, không khí rất khô hanh, dễ gây ra tình trạng tổn thương hệ hô hấp, bụi không khí dễ phát tán. Những yếu tố khác như tần suất xây dựng của các khu đô thị, công suất của các nhà máy, chính sách bảo vệ môi trường của các cơ quan điều hành, hành chính.

Việc sử dụng khẩu trang có giúp bảo vệ cơ thể khỏi ô nhiễm không khí?

– Khẩu trang giúp hệ thống hô hấp của chúng ta được bảo vệ an toàn nhưng khả năng bảo vệ ở mức độ vừa phải. Khẩu trang có thể ngăn chặn những hạt bụi lơ lửng trong không khí, những mầm bệnh như virus, vi khuẩn, khí độc phát tan trong không khí. Tuy nhiên, không thể đạt 100% dù có thể mua khẩu trang xịn và đắt đến mức nào. Tất cả loại khẩu trang dù là một lớp hay nhiều lớp, than hoạt tính hay không có than hoạt tính, khẩu trang y tế hay khẩu trang vải thông thường chỉ hạn chế được một phần bụi, tác dụng chủ yếu với và với các loại bụi kích thước to, sơ cấp. Những loại bụi mịn, kích thước nhỏ thì rất khó được lọc hoặc bị bắt giữ. Những hạt vi bụi vẫn lọt qua khẩu trang và đàng hoàng đi vào hệ thống hô hấp. Vì vậy, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe khác như máy lọc không khí, trồng cây xanh để hít thở không khí an toàn.

Tại gia đình, với góc độ là một người dân, bác sĩ đã tự bảo vệ mình trong thời gian lượng bụi gia tăng?

– Trong gia đình, chúng tôi hạn chế mở cửa sổ, cửa chính vào những ngày tình trạng bụi gia tăng. Điều đó giúp tránh đưa những luồng không khí mạnh mang theo lượng bụi lớn vào nhà. Khi khép cửa, lượng không khí vẫn lưu thông nhưng giảm đáng kể lượng bụi nhất là bụi lớn. Những gia đình ở sát gần mặt đường nên áp dụng biện pháp này.

Gia đình tôi cũng sử dụng rèm mỏng, mành che 2 lớp vừa thẩm mỹ vừa giúp ngăn cản bớt bụi. Đồng thời, tôi để nhiều cây xanh có thể ngăn giữ bụi ở những vị trí gần cửa sổ, cửa ra vào, hít bỏ các khí độc, giữ lại các vi nấm, mầm bệnh và tạo ra oxy trong lành, cải thiện không khí trong nhà.

Một biện pháp quan trọng nữa là chúng tôi đã sử dụng máy lọc không khí để hút phần khí trong nhà vào máy, lọc sạch, sau đó đưa ra ngoài không khí sạch, giảm tối đa lượng vi khuẩn, mầm bệnh, nồng độ bụi trong nhà.

Máy lọc không khí bán trên thị trường có hiệu quả không, thưa bác sĩ?

– Phải khẳng định là có. Các máy lọc không khí có khả năng lọc không khí, đặc biệt những loại hạt bụi lớn,loại bụi có thể nhìn thấy và lọc cả các hạt bụi mịn. Ngoài ra, nó còn có thể bắt giữ các loại mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm mốc. Nhưng khả năng của mỗi loại máy phụ thuộc vào các yếu tố sau:

+ Khả năng lọc bụi của máy: Bụi to hay nhỏ,bụi sơ cấp hay thứ cấp, bụi thô hay bụi mịn, bụi đất cát hay bụi hóa chất.

+ Công suất của máy: Lọc được bao nhiêu lít không khí trong khoảng thời gian. Những loại máy rẻ tiền, công suất nhỏ chỉ có thể lọc một lượng khí nhỏ ở góc nhỏ, khoảng không gian nhỏ của phòng và khó đảm bảo cho toàn bộ căn phòng. Những máy lọc công suất lớn có thể lọc tốt hơn và đảm bảo bầu không khí cho cả căn hộ hay cả căn nhà trong sạch.

Sau khi sử dụng máy lọc không khí, tôi thấy tần suất nhiễm bệnh hô hấp của 2 con nhỏ giảm đi rõ, đặc biệt vào các mùa thu đông và đông xuân. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm số lần phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc chống viêm mũi, viêm phế quản.

Gia đình đóng cửa cả ngày có cần thiết bị lọc không khí? Những dấu hiệu như mắt cay, mũi ngứa… có liên quan gì đến yếu tố bụi không khí không?

– Một số người nghĩ rằng đóng cửa có thể an toàn nhưng chỉ đúng một phần. Khi đóng cửa, không khí đi vào được thì bụi vẫn đi vào được, nhất là bụi hóa chất và bụi mịn. Vì vậy, sử dụng máy lọc và các biện pháp làm trong lành không khí rất cần thiết. Chúng ta không thể miễn nhiễm hoàn toàn các rối loạn hô hấp, bệnh lý hô hấp nếu chỉ đóng cửa, kéo rèm.

Khi chọn thiết bị lọc không khí thì cần lựa chọn dựa trên những yếu tố nào?

– Cần chú ý thương hiệu. Những đơn vị uy tín sẽ sản xuất những thiết bị có hiệu năng tốt, đảm bảo độ bền, không thổi phồng, làm quá khả năng của máy.

Sau đó, chọn công suất lọc phù hợp với diện tích sử dụng và khả năng lọc của máy, bao gồm khả năng bắt giữ các kích cỡ bụi, các loại mầm bệnh có trong không khí như nấm mốc, virus, vi khuẩn. Một số máy còn có khả năng tạo ra ion trong không khí và cân bằng độ ẩm như môi trường tự nhiên.

Theo Zing


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khí bẩn sát thủ thầm lặng - Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống