Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách, với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan Thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự hội nghị tại các điểm cầu 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.
Nói đi đôi với làm thì niềm tin mới tăng lên
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo, và đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, sát thực tế, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: “Khi truyền thông chính sách không đầy đủ, không kịp thời không đi trước, thiếu chính xác, dễ dẫn tới chính sách bị bóp méo, thậm chí có thể bị xuyên tạc, bị hiểu sai, dẫn đến không có hoặc ít có sự đồng thuận của nhân dân, làm cho hiệu quả của những nỗ lực của Chính phủ khó đạt được như kỳ vọng".
Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang cho biết, thời gian qua, nhất là những năm gần đây, các cơ quan báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội. Đa phần doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách dành cho quảng cáo trên truyền hình, cũng như báo chí.
Đồng thời, thói quen của khán giả cũng đang thay đổi rất nhanh, dành nhiều thời gian cho các nền tảng số để giải trí và cập nhật tin tức. Điều này càng đẩy mạnh việc dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ báo chí truyền thống sang quảng cáo trên nền tảng số, khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm mạnh.
“Tôi cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng cần có cơ chế nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng và đặt hàng giao nhiệm vụ, thường xuyên thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả các cơ quan để đảm bảo các hoạt động này được triển khai ổn định bền vững và có hiệu quả”, ông Lê Ngọc Quang nêu ý kiến
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện một Chỉ thị của Thủ tướng về công tác truyền thông chính sách tốt hơn thời gian tới, làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần “lấy dân làm gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Truyền thông chính sách phải góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Trên thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt thì không tạo đồng thuận cao trong xã hội.
"Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là "phải làm được, nói được" thì mới tốt.
Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông
Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn vậy phải thông qua truyền thông và để làm tốt công tác truyền thông chính sách không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh, vừa có tính nghệ thuật.
"Một trong những mục tiêu của truyền thông là phải xây dựng được niềm tin người dân đối với Chính phủ về việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách. Nói đi đôi với làm thì niềm tin mới tăng lên", Thủ tướng lưu ý, truyền thông phải có chất liệu, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Thủ tướng lưu ý, công tác truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu công tác truyền thông phải làm cho người dân hiểu và chia sẻ với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua.
Lưu ý không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, Thủ tướng nêu thực tế vừa qua, xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém là không thể không làm, bởi càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
"Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được. Xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thời gian tới nhiệm vụ được giao rất nặng nề, Thủ tướng nêu rõ, công tác truyền thông quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Cùng với đó là gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Đồng thời, khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách, để từ nhận thức thì phải hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt. Đặc biệt là phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách.
"Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông. Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông", Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều.
Về các kiến nghị của Bộ TT&TT cũng như của các đại biểu nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề sắp xếp, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, địa phương.
Nhất trí giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác này theo hướng đặt hàng, Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương xem xét bố trí kinh phí trong chi thường xuyên cho hoạt động truyền thông chính sách.
Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.