Kiên Giang: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng ổn định và bền vững

Trương Anh Sáng|14/07/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong 6 tháng đầu năm 2019, Kinh tế tăng trưởng ở mức khá, tốc độ tăng trưởng đạt 7,08% so với cùng kỳ năm 2018. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và bền vững.

Đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao gắn với thị trường tiêu thụ và vùng quy hoạch, nâng cao chất lượng giống vụ. Vụ lúa Mùa và Đông Xuân gieo trồng 353.169 ha, tăng 4.601 ha so cùng kỳ, năng suất thu hoạch đạt 6,54 tấn/ha, sản lượng 2,31 triệu tấn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích và duy trì phát triển liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, xây dựng nông thôn mới tiếp tục đẩy mạnh và đạt kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Vũ Hồng làm việc tại UBND huyện An Biên

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch tả heo Châu Phi xuất hiện lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 5/2019 đến nay, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành và địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường, dịch tả heo Châu Phi đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 25/6/2019, đã phát hiện 128 ổ dịch, tống số heo tiêu hủy là 2.785 con.

Đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản, tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu gia tăng thiệt hại tôm nuôi do môi trường bất lợi, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cao, tổng diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại trên các địa bàn trong tỉnh từ đầu vụ đến nay là 1.603 ha, trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp dập dịch, không đế lây lan, qua đó đã góp phần nâng tổng sản lượng thu hoạch tôm nuôi đạt khá so với kế hoạch và cùng kỳ, nhất là đối với mô hình nuôi tôm – lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng.

Việc tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh tiếp tục duy trì và tăng cường, gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong 06 tháng đầu năm, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án, diện tích 517,86 ha, tổng vốn đầu tư 12.219,5 tỷ đồng; thành lập mới 667 doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 02 cuộc đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Tình hình sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục ổn định, giá trị sản xuất có mức tăng trưởng khá, đạt 47,12% so với kế hoạch; công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến phát triển đúng hướng, phát huy lợi thế của địa phương; việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tỷ lệ hộ sử dụng điện tiếp tục tăng…

Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều dự án trọng điểm đã được thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, sẽ góp phần quan trọng thúc đấy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới như: Đường 3 tháng 2 nối dài đoạn Rạch Giá – Châu Thành; đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc đảo, huyện Phú Quốc; Cảng hành khách Rạch Giá… Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh như: Đường ven sông Cái Lớn, đường tỉnh ĐT 961, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (mới), Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa…

Dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng và ổn định, tiếp tục khẳng định là lĩnh vực quan trọng và có đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh với việc khai thác có hiệu quả loại hình du lịch sinh thái biển, đảo thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm câu cá, lặn ngắm san hô, khám phá di tích lịch sử, văn hóa… tại các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí như: Khu vui chơi giải trí Vinpearlland, Khu vườn bách thú Safari (huyện Phú Quốc), Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu du lịch Mũi Nai và các khu du lịch ở các xã đảo như: Quần đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc, xã đảo Lại Sơn… đã và đang phát huy được hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, là việc cơ sở lưu trú du lịch phát triển khá nhanh, nhiều khách sạn chất lượng cao được đầu tư và đưa vào hoạt động cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá về du lịch du lịch được tăng cường, chất lượng được nâng lên. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 4,29 triệu lượt khách, đạt 51,79% kế hoạch, tăng 9% so cùng kỳ; trong đó huyện Phú Quốc đón 2,26 triệu lượt khách, đạt 52,7% kế hoạch, tăng 35,9% so cùng kỳ. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường và khoáng sản được quan tâm thực hiện, chỉ đạo xử lý kịp thời các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phú Quốc, điểm đến thu hút nhiều du khách

Trong 6 tháng cuối năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, gắn với thị trường tiêu thụ, vùng quy hoạch và phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống và khống chế dịch tả heo Châu Phi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ dân và các doanh nghiệp nuôi tôm tăng diện tích và sản lượng tôm nuôi. Đẩy mạnh phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi. Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đưa vào hoạt động dự án khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại – dịch vụ, hệ thống bán buôn, bán lẻ góp phân tiêu thụ hàng nội địa; thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường và đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường công tác chống buôn lậu, buôn bán vận chuyên hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tập trung mọi nguồn lực tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Kiên Giang năm 2019. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản, gắn với liên kết chuỗi giá trị, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký kết vào cuối tháng 6/2019, sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho lĩnh vực xuất khẩu.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Triển khai thí điểm các tuyến tham quan du lịch tại Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng. Thực hiện đề án tổng thể quảng cáo và xây dựng lắp đặt bảng chỉ dẫn các khu, điểm, tuyến du lịch; xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên chi các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán.

Tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết cắt giảm hoặc điều chuyển vốn đối với các đơn vị giải ngân thấp. Các ngành và địa phương tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, các thủ tục hành chính có liên quan để  đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình; đẩy nhanh tiến độ quyết toán hoàn thành các công trình, dự án; tăng cường quản lý chất lượng các công trình. Quản lý chặt chẽ về đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung quyết liệt kiểm tra xử lý tình trạng tự ý phân lô, tách thửa để chuyển nhượng, xây dụng trái phép. Thường xuyên kiếm tra trật tự đô thị, xây dựng, xử lý tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng ổn định và bền vững