(Moitruong.net.vn) –
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Ngày hội môi trường lần II ở Trường tiểu học thị trấn Tân Hiệp
Chương trình hành động bảo vệ môi trường đã chạm đến một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay: sự suy thoái tính đa dạng sinh học và sự biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường cùng nhiều hệ lụy mà con người phải gánh chịu. Có một thực tế đang diễn ra là, cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển, đời sống vật chất của người dân ít nhiều được cải thiện thì tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ở nông thôn cũng như thành thị, miền núi cũng như miền biển, nước và không khí đều bị đe dọa vì sự ô nhiễm.
Vấn đề đưa các nội dung bảo vệ môi trường trong nhà trường nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho các em học sinh về lối sống văn minh, lịch sự, thân thiện với môi trường; sống có trách nhiệm với cộng đồng, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật bảo vệ môi trường; giáo dục các em học sinh xây dựng môi trường học tập thân thiện, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cây xanh và bảo vệ môi trường, góp phần tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là rất cần thiết.
Việc giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai ngay từ khi còn nhỏ là một trong những phương án khả thi và hiệu quả. Khi ý thức được điều này, chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên có tác động lớn đối với người thân và xã hội.
Ông Đoàn Hữu Thắng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc giáo dục môi trường trong nhà trường đã góp phần cao nhận thức cho các em học sinh về lối sống văn minh, lịch sự, thân thiện với môi trường; sống có trách nhiệm với cộng đồng, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật bảo vệ môi trường; giáo dục các em học sinh xây dựng môi trường học tập thân thiện, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cây xanh và bảo vệ môi trường, góp phần tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bảo vệ môi trường không là nhiệm vụ của học sinh mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành; toàn thể cán bộ, nhân dân. Vì vậy, việc quán triệt đến toàn thể cán bộ và nhân dân để nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường Xanh – Sạch – Đẹp và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học là rất cấp thiết. Hãy tích cực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học bằng các hành động thiết thực, nhất là trong nhà trường.
Giáo dục môi trường trong trường học giúp học sinh hiểu và biết các thành phần môi trường đất, nước, không khí, ánh sáng, động thực vật và quan hệ giữa chúng; mối quan hệ giữa con người và các thành phần của môi trường; ô nhiễm môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường xung quanh như nhà ở, lớp, trường học, thôn xóm, bản làng, phố phường. Từ đó, học sinh có khả năng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi như trồng, chăm sóc cây làm cho môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, sống hòa hợp, gần gũi thân thiện với tự nhiên, sống tiết kiệm ngăn nắp, vệ sinh, yêu quý thiên nhiên, gia đình, trường lớp, quê hương, đất nước, thân thiện với môi trường và quan tâm đến môi trường xung quanh.
Các em học sinh vẽ tranh cổ động về môi trường
Để thực hiện mục tiêu giáo dục bảo vệ môi trường trong nhà trường, các thầy cô giáo cần tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn học, đưa giáo dục bảo vệ môi trường trở thành một nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp và quan tâm tới môi trường địa phương, thiết thực cải thiện môi trờng địa phương, hình thành và phát triển thói quen ứng xử thân thiện với môi trường như sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trồng thêm cây xanh tạo cảnh quan môi trường; tổ chức khai thông cống rãnh,vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; hạn chế tối thiểu việc sử dụng túi ni lông, sử dụng túi vải không dệt thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng.
Đối với bài học lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường, giáo viên giúp học sinh hiểu, cảm nhận đầy đủ và sâu sắc nội dung bài học chính là góp phần giáo dục trẻ một cách tự nhiên về ý thức bảo vệ môi trường. Các bài học này là điều kiện tốt nhất để nội dung giáo dục bảo vệ môi trường phát huy tác dụng đối với học sinh thông qua môn học. Khi dạy học các bài học tích hợp ở mức độ này, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung bài học, xác định nội dung giáo dục bảo vệ môi trường tích hợp vào từng đơn vị bài học phù hợp với hình thức tổ chức và phương pháp dạy học của bộ môn. Trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học giáo viên giúp học sinh hiểu, cảm nhận đầy đủ và sâu sắc phần nội dung bài học liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường chính là góp phần giáo dục trẻ một cách tự nhiên về ý thức bảo vệ môi trường. Trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh liên hệ, mở rộng về giáo dục bảo vệ môi trường thật tự nhiên, hài hòa, đúng mức, tránh lan man, sa đà, gượng ép, không phù hợp với đặc trưng bộ môn.
Hiện nay, các trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều đã triển khai giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học nhằm làm cho các em hiểu và hình thành, phát triển ở các em thói quen, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện với môi trường. Bồi dưỡng những xúc cảm tình yêu thiên nhiên, xây dựng cái thiện và hình thành thói quen, kĩ năng sống bảo vệ môi trường cho các em tiến tới tương lai có cả một thế hệ biết bảo vệ môi trường. Vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học để sống hòa hợp với thiên nhiên, ứng xử thân thiện hơn với môi trường.
Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không của riêng ai. Nhưng điều đáng nhấn mạnh trước hết là việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức. Ý thức bảo vệ môi trường vì thế chưa hình thành rõ nét trong tầng lớp học sinh, sinh viên và thậm chí cả ở một số giáo viên.
Trương Anh Sáng