Kiên Giang: Đừng để rác đuổi khách khỏi đảo Nam Du!

Hạnh Mai (T/h)|18/07/2019 04:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không như nhiều bãi biển khác, đảo Nam Du (Kiên Giang) vẫn còn không gian mở. Nhưng thật đáng lo khi biển đảo hoang sơ đang bị rác bao vây.

Từ bến tàu cập ở hòn Củ Tron đi xe máy theo cung đường vòng quanh biển ôm vách núi để đến bãi Mến chưa đầy 3 cây số nhưng ai cũng mất cả giờ vì liên tục dừng chụp ảnh. Bãi Mến hoang sơ nằm gọn trong vịnh, núi ôm quanh nên biển rất êm. Những hàng dừa được người dân trồng đã mấy chục năm, cao chót vót như xếp hàng quanh bãi biển làm nên vẻ đẹp thật yên bình. Trên hòn Củ Tron còn có bãi Ngự, bãi Chệt, mỗi bãi đều có những góc biển đẹp để tận hưởng cho đã mắt và lưu lại những bức ảnh.

Một góc trên hòn Củ Tron

Đến hòn Dầu ai thích sống ảo chắc chắn không bị nói là “ảo quá cảnh thật” bởi tay ngang chụp ảnh thôi cũng đã sung sướng có được cho mình những tấm ảnh đẹp ở bãi Đá Đen. Nói vậy chứ không chỉ có đá đen mà nhiều hòn đá lớn, nhỏ màu sắc khác nhau, nắng chiếu vào, màu đá lung linh dưới nước biển xanh ngọc trong vắt, rất tuyệt.

Hòn Mấu có bãi tắm rộng thoáng nhất, biển cứ êm êm, không sóng lớn, những người thích ngâm mình tha hồ trườn mình trên bãi biển lài, cát mịn êm. Còn hòn Hai Bờ Đập thật thú vị cho những ai giỏi bơi lội để lặn ngắm san hô.

Nhà nghỉ ở đảo Nam Du tập trung chủ yếu trên hòn Củ Tron, giá tầm 150.000 – 200.000 đồng đến 300.000 – 400.000 đồng/phòng đôi/đêm. Chủ nhà nghỉ cũng là người dân địa phương ăn nói thật thà, tự nhiên; giúp khách thuê xe máy, đặt tàu đi tham quan các hòn đúng giá, không cần lấy tiền bồi dưỡng. Dịch vụ tham quan các hòn cũng được người dân địa phương cung cấp đầy đủ với giá phải chăng, phục vụ chu đáo.

Nam Du làm người ta ngất ngây bởi cảnh đẹp tự nhiên, thoải mái và sự thân thiện của người dân địa phương. Song, quần đảo Nam Du cũng làm cho người ta rời đi với những điều băn khoăn cho tương lai của đảo này khi rác đang dần xâm chiếm.

Cư dân tăng, khách du lịch đến đảo ngày càng đông, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Rất nhiều du khách mang đồ ăn thức uống, dùng xong cứ mặc tình bỏ rác lại các bãi biển. Đáng buồn là rất nhiều nhà dân và cả nhiều hộ kinh doanh nhà nghỉ, quán ăn thản nhiên đổ rác ra đường hay giấu rác bằng cách đổ xuống bờ kè hoặc góc bãi biển nào đó, miễn không phải trước nhà mình.

Ngay khu vườn dừa sau dãy nhà lều cho khách ngồi nghỉ ăn uống ở bãi Mến là một bãi rác to tướng, lấn ra cả lối đi vòng quanh bãi biển đẹp. Khách du lịch phải khéo canh góc chụp thì trong ảnh mới không thấy rác dưới chân.

Rác dập dềnh ven bờ kè biển Nam Du

Chúng tôi hỏi người bán hàng tại bãi Mến: “Sao mình không gom rác đổ ở nơi quy định” thì được trả lời: “Đổ vô gốc cây là được rồi”. Chắc hẳn người dân dư biết rằng chỉ cần nước biển dâng lên, sóng đánh dạt vào gốc dừa là rác bị kéo ra biển nhưng dường như họ không quan tâm rác sẽ trôi về đâu.

Khu vực bến tàu hòn Củ Tron nối liền với chợ và các hàng quán nên bờ kè biển là nơi tụ rác, kéo dài hai bên bến tàu cả cây số toàn rác là rác. Ở hòn Dầu, có người thu tiền khách lên bờ chụp ảnh nhưng rác đầy từ bãi biển đến lối đi trên hàng dừa thì chẳng ai thu dọn.

Các hàng quán ở hòn Mấu có ý thức giữ bãi tắm sạch sẽ để thu hút khách nhưng rác thải từ các tàu chở khách, tàu đánh bắt cá về neo trên biển hòn Mấu và từ những hộ nuôi bè cá thả xuống trôi vờn quanh người khách tắm biển.

Hạnh Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Đừng để rác đuổi khách khỏi đảo Nam Du!