Kiên Giang: Nông dân xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu trong tình hình khô hạn

Hoài An|01/04/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, mặc dù không khuyến cáo gieo sạ do thiếu nước vì khô hạn và xâm nhập mặn, nhưng đến thời điểm này nông dân đã xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu.

Việc xuống giống sớm tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao. Nguyên nhân chủ yếu do giá lúa trên thị trường đang ở mức khá cao, tùy theo loại và chất lượng, lúa thường (tươi) 6.300 – 6.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao (tươi) 6.600 – 7.000 đồng/kg, lợi nhuận sản xuất khá cao. Hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nông dân vừa thu hoạch xong lúa Đông Xuân 2020 – 2021, tiến hành làm đất ngay để gieo sạ lúa. Việc xuống giống sớm này, không tuân thủ lịch thời vụ sản xuất lúa Hè Thu 2021, ngoài nguy cơ thiếu nước tưới do ảnh hưởng khô hạn, nước mặn xâm nhập đồng ruộng thì rơm rạ sau thu hoạch vụ lúa trước đó không đảm bảo phân hủy dễ gây ngộ độc hữu cơ, không cắt được mầm sâu, bệnh có khả năng phát sinh gây hại các trà lúa.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn về nguồn nước và mặn xâm nhập mùa khô 2021, mực nước có xu thế xuống nhanh trong thời gian tới, khả năng mặn xâm nhập cao nhất trong năm xuất hiện vào đợt triều cường đầu tháng 4 sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất lúa, khả năng sẽ bị nắng hạn, thiếu nước tưới ở các vùng không chủ động được nguồn nước, nguy cơ rủi ro, thiệt hại rất cao.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng khung lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu 2021, không vì giá lúa cao mà xuống giống sớm trong tình hình thời tiết khô hạn, mặn xâm nhiễm diễn biến phức tạp, điều kiện sản xuất bất lợi, nguy cơ thiệt hại cao. Ngành chức năng cùng với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân làm đất, cải tạo hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ lúa Hè Thu 2021 an toàn, bền vững và hiệu quả, năng suất, chất lượng cao.

Thu hoạch lúa Đông Xuân 2020 – 2021 ở ấp Kinh 2B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang)

Trong một diễn biến khác, vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân Kiên Giang sản xuất được mùa, lúa bán giá cao. Từ đầu năm đến nay, giá lúa trên thị trường luôn ở mức 6.300 – 6.500 đồng/kg đối với lúa thường (tươi) và 6.600 – 7.000 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao (tươi), nông dân sản xuất lợi nhuận gâp đôi so với vụ mùa năm 2020.

Hiện nay, nông dân ở các vùng sản xuất trọng điểm như Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và một số tiểu vùng khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang vào giai đoạn thu hoạch chính vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch hơn 90.100 ha, bằng 31,6% so với diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 7,1 tấn/ha.

Hiện, giá lúa vẫn duy trì từ 6.300 đồng/kg đến hơn 7.000 đồng/kg lúa (tươi) tùy theo loại, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái vào tận đồng ruộng thu mua hết đến đó. Với mức giá này, nông dân Kiên Giang sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 trúng mùa, lúa bán được giá, lợi nhuận khá cao so với những vụ mùa trước đây, khoảng 40 – 45 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí sản xuất.

Nông dân Nguyễn Văn Cử ở ấp Kinh 2B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang trong vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 gieo trồng 1,5 ha, năng suất đạt 1,3 tấn/công (1.200 m²) trở lên, lợi nhuận gấp đôi vụ mùa năm trước. Ông Cử cho biết: “Vụ Đông Xuân này, năng suất lúa của tôi một công từ 1,3 tấn trở lên. Nếu như năm ngoái lúa 4.000 – 5.000 đồng/kg thì từ đầu vụ đến nay, tùy theo loại và chất lượng lúa, thấp nhất là 6.300 đồng/kg đến hơn 7.000 đồng/kg. Lúa năm nay trúng mùa, bán được giá, bà con rất phấn khởi, sau khi trừ chi phí sản xuất, một công lãi từ 4 triệu đồng trở lên, lời gấp hai lần những vụ mùa trước đây.”

Tương tự, anh Đặng Hoàng Tây Sơn cùng ngụ địa chỉ trên gieo sạ 4 ha lúa Đông Xuân 2020 – 2021, năng suất bình quân 1,2 – 1,3 tấn/công. Anh Sơn cho biết: “Năm nay, tôi gieo trồng 40 công, năng suất lúa khoảng 1,2 – 1,3 tấn/công, trừ chi phí sản xuất lời 4,5 – 5 triệu/công. Sản xuất vụ lúa Đông Xuân này, gia đình tôi lợi nhuận trên dưới 190 triệu đồng. Đây là năm được mùa, trúng giá và nông dân sản xuất lúa lãi cao nhất từ trước đến nay.”

Bắt tay vào sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ phù hợp với từng vùng, tiểu vùng sinh thái, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về vật tư nông nghiệp, lúa giống…

Các địa phương khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến “3 giảm – 3 tăng”, “1 phải – 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa nhằm đảm bảo đạt năng suất, chất lượng và sản lượng.

Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp với huyện và thành phố, nhất là những địa phương ven biển, vùng cửa sông, cửa biển, ven sông lớn có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập đã đắp các đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, phòng ngừa thiếu nước trong mùa khô. Các đơn vị chức năng khuyến cáo, hướng dẫn hợp tác xã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, lúa chất lượng cao tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nước mặn xâm nhiễm vào nội đồng gây hại lúa.

Sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021, tỉnh Kiên Giang gieo sạ hơn 284.225 ha, đạt 99,37% kế hoạch, phấn đấu sản lượng lúa đạt hơn 2 triệu tấn.

Hoài An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Nông dân xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu trong tình hình khô hạn