Kiên Giang: Rà soát, quy hoạch phát triển rừng theo hướng bền vững

Quốc Tuấn|28/09/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Kiên Giang đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, nhằm quản lý, phát triển rừng hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên thực hiện đầu tư bảo vệ rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, tăng nguồn thu từ rừng, tạo thu nhập ổn định cho các chủ rừng.

Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 79.861,84 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 64.082,14 ha, diện tích chưa có rừng 15.779,70 ha, đến nay đã được giao hết cho các chủ thể quản lý, gồm: 2 Vườn Quốc gia là Phú Quốc và U Minh Thượng, 4 Ban quản lý rừng, các lâm trường, đơn vị, công ty và Ủy ban nhân dân các huyện quản lý, bảo vệ… Riêng đối với rừng sản xuất, hiện toàn tỉnh đang có khoảng 9.000 ha, chủ yếu là cây tràm nước. Đây là loài cây bản địa, chậm phát triển, nên chu kỳ đầu tư khai thác khá dài. Hơn nữa, cây tràm hiện nay chủ yếu bán để làm cừ trong xây dựng, giá cả đầu ra không ổn định. Sau khi khai thác, chủ rừng phải cày ủi mặt bằng thì đầu tư trồng lại mới đạt hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh đang tập trung ưu tiên cho cho phát triển rừng sản xuất, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tăng lên 13.000 ha, chủ yếu là chuyển đổi từ rừng phòng hộ và rừng tràm môi sinh qua. Tỉnh cũng đã xác lập quyền sử dụng đất cho các chủ rừng, để thực hiện đầu tư bảo vệ rừng.

Với công suất thiết kế 75.000 m3 gỗ thành phẩm/năm, nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang cần khoảng 150.000 tấn gỗ nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Đây sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp từ các hộ dân trồng rừng với các cây trồng lấy gỗ, cây trồng phân tán đa dạng: tràm Úc, keo lai, bạch đàn và các loại cây bản địa như cây bần, tràm nước và gốc, cành cây các loại.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao 3.900 ha đất rừng để triển khai trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy biến gỗ MDF VRG Kiên Giang với 2 loại giống cây chính là keo lai và tràm Úc, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Còn lại là thu mua từ các hộ trồng rừng sản xuất hoặc trồng cây phân tán trong dân. Đây chính là cơ hội tốt để cho người dân phát triển trồng rừng sản xuất, yên tâm về đầu ra của gỗ nguyên liệu.

Quốc Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Rà soát, quy hoạch phát triển rừng theo hướng bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.