Kiên Giang tập trung ứng phó hạn mặn giai đoạn cao điểm mùa khô

Minh Phúc|06/03/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với giai đoạn cao điểm mùa khô, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện phương án với các giải pháp đồng bộ ứng phó hạn mặn, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp có thể xảy ra.

Ngày 5/3, thông tin về việc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn giai đoạn cao điểm mùa khô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng chống thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, tỉnh đã thi công hoàn thành đập tạm bằng cừ thép Larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, tại xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương), đảm bảo an toàn cho sản xuất và nước sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, U Minh Thượng kiểm tra công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, khắc phục nhanh các sự cố rò rỉ mặn của hệ thống cống, đê đập.

kien-giang.jpg
Ảnh minh họa

Mặt khác, Chi cục Thủy lợi tỉnh tập trung quản lý, kiểm soát và vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước đảm bảo phục vụ cho sản xuất.

Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn đắp mới, gia cố 27/58 đập đất ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

Trước tình hình mùa khô được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các Sở, ngành chức năng, địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện tốt các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh.

Theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khô hạn, xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Ngành chức năng tỉnh chuẩn bị vận hành đóng, mở cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành) để kiểm soát mặn; phê duyệt và thi công hệ thống điện 3 pha để vận hành hệ thống cống tuyến ven biển An Biên - An Minh, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất cho các địa phương trong mùa khô 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, tổng hợp, báo cáo nhanh về tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân.

Tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên kiểm tra các bờ bao, cống bọng, chất lượng nước trước khi bơm tưới, kiểm tra, đề phòng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng, chủ động các giải pháp ứng phó và khắc phục khi sự cố xảy ra.

Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh những ngày qua độ mặn tăng cao do ảnh hưởng của hiện tượng nước dâng, độ mặn cao nhất phổ biến cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm từ 0,5 ÷ 4,5‰.

Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4,0‰ xâm nhập sâu khoảng 40 km; trên sông Cái Bé, độ mặn 4,0‰ xâm nhập sâu khoảng 18km.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện U Minh Thượng, khu vực vùng đệm U Minh Thượng thuộc 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, độ mặn tăng cao bất thường ở khu vực các kênh 15, 16, 17A và 17B, độ mặn ở mức từ 2,0 ÷ 14,5.

Nguyên nhân nhiễm mặn do ảnh hưởng nước biển dâng, mặn tăng cao trong những ngày gần đây; mực nước trong kênh đê bao ngoài hạ thấp rất nhanh do người dân bơm trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; thời tiết không mưa, lượng nước bốc hơi nhanh, mặn thẩm thấu từ bên ngoài vào kênh đê bao…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hòn Đất, độ mặn ven biển tăng cao từ giữa tháng 02/2024 đến nay do triều cường, kết hợp nước biển dâng làm cho khu vực cống 282, cống 287, cống Tám Nguyên thuộc xã Lình Huỳnh và xã Bình Sơn, từ cống vào phía nội đồng từ 100 ÷ 300 m có độ mặn từ 1,0 ÷ 2,0‰.

Chi cục Thủy lợi đã điều chỉnh kế hoạch vận hành cống, mở một chiều ra biển đối với các cống khu vực này, khắc phục được tình hình nhiễm mặn cục bộ, đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 của tỉnh thu hoạch khoảng 43.000 ha, đạt hơn 15% diện tích gieo trồng.

Diện tích còn lại chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, cơ bản đã hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất.

Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa Đông Xuân nói riêng trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang tập trung ứng phó hạn mặn giai đoạn cao điểm mùa khô