Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai

Giang Anh|24/08/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh đang đối mặt với tình hình mặn xâm nhập diễn ra gay gắt, có 63,86km bờ biển và 158,38km bờ sông bị sạt lở làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển…

kiengiangcayluavanoa.jpeg
Nông dân huyện Hòn Đất bên đám ruộng cháy khô vì hạn mặn. Ảnh minh họa

Tình hình mặn xâm nhập diễn ra gay gắt, Kiên Giang quyết liệt thực hiện giải pháp ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, đảm bảo an toàn cho 284.000ha lúa đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô 2021-2022.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển gây mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển, các kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Đến nay, Kiên Giang có 63,86km bờ biển và 158,38km bờ sông bị sạt lở. Nhằm chủ động quản lý phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2021, tỉnh Kiên Giang được đánh giá là hoàn thành tốt công tác phòng, chống thiên tai, với tổng số điểm 81,57 điểm, cao hơn mức trung bình của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trước mùa mưa bão hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; huy động lực lượng, vật tư, xác định vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm. Ngoài lực lượng của các địa phương, tỉnh còn huy động thêm lực lượng của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, khi có sự cố thiên tai, các địa phương có phương án chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước uống, đảm bảo đủ cứu trợ trong 7 ngày. Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang có phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu, đường có sự cố, hư hỏng đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính, quan trọng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai