Ngày 11/02/2020, đoàn công tác của tỉnh do ông Đỗ Thanh Bình-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra công tác phòng, chống hạn, mặn trên các tuyến sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc huyện Châu Thành, Gò Quao và Giồng Riềng.
Theo lãnh đạo Chi Cục Thủy lợi tỉnh, từ ngày 31/01/2020 đến nay, mực nước các trạm nội đồng tỉnh Kiên Giang xuống thấp, độ mặn ven bờ tăng cao, mặn xâm nhập vào nội đồng. Tuyến sông Cái Lớn tại Xẻo Rô cách biển 7km độ mặn 20,9gram/lít; tuyến sông Cái Bé mặn xâm nhập tại các trạm An Ninh (huyện Châu Thành) cách biển 8km là 21,6gram/lít; trên kênh Ông Hiển cách sông Cái Bé 7,5km là 15,2gram/lít; trên kênh Cái Sắn, xã Mong Thọ B (Châu Thành) cách sông Cái Bé 6,6km là 10,6gram/lít; trên kênh Rạch Giá –Long Xuyên tại hồ chứa nước Tà Tây (thành phố Rạch Giá) là 1gram/lít. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành hiệu quả hệ thống công tuyến đê biển Hòn Đất-Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé (đoạn thuộc huyện Châu Thành) 55 cống, vùng U Minh Thượng 17 cống, dự án thủy lợi Ô Môn-Xà Nò 35 cống để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2019-2020; tăng cường điều tra mặn xâm nhập trên các tuyến kênh chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra các vị trí đập tạm khu vực ven sông Cái Lớn, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020, tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ lúa hè thu năm 2020. Cụ thể, huyện Giồng Riềng triển khai đắp 56 đập, huyện Gò Quao đắp 125 đập, còn 8 đập đang tập kết vật tư; huyện Châu Thành đắp 7 đập tạm ngăn mặn ven sông Cái Bé với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thành lập tổ công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tài và tìm kiếm cứu nạn thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành triển khai phương án đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Ông Hiển (Châu Thành) để đảm bảo nước ngọt cho hồ chứa nước Tà Tây (thành phố Rạch Giá). Các địa phương tăng cường tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, yêu cầu kiểm soát mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.
Đắp đập tạm Giồng Riềng – Bến Nhứt để ngăn mặn.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn tại các địa phương, ông Đỗ Thanh Bình-Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải xác định nhiệm vụ chống hạn, mặn xâm nhập, phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, rất quan trọng trong năm 2020. Các địa phương không chủ quan, không để bị động trong ứng phó mặn xâm nhập, phải chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình đề nghị về lâu dài, ngành nông nghiệp xác định công tác phòng, chống hạn mặn là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng, muốn phát triển bền vững phải có giải pháp chống hạn, mặn xâm nhập căn cơ. Đối với các đập tạm đang thực hiện phải hoàn thành trước ngày 15/2/2020. Đối với các đập lớn đến ngày 15/2/2020 phải bắt đầu thi công. Giao Sở NN-PTNT chủ động thống nhất với các sở ngành và các địa phương chịu trách nhiệm làm công tác vận động tuyên truyền người dân trong việc thống nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại vị trí đắp các đập tạm để bảo vệ sản xuất; thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh.
Quốc Tuấn