Sóc Trăng: Kiến nghị chi hơn 1300 tỉ đồng cho các công trình chống hạn mặn

Lê Mai (t/h)|11/02/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, Sóc Trăng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh triển khai ngay các công trình cấp thiết nhằm khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với tổng số vốn dự kiến khoảng 1.368 tỉ đồng.

Ngày 10/2, Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình hạn, mặn tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh này năm nay đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm (cả về nồng độ và chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng).

Hiện tại, độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề là 21gr/lít (l); Long Phú 16,9gr/l; Đại Ngãi 11,3gr/l; An Lạc Tây 7gr/l (so với năm 2016 độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3gr/l; An Lạc Tây tăng 2,2gr/l); xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55km (so với năm 2016 tăng 10-15km).

Về trồng trọt, rút kinh nghiệm bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng, khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ 3 những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn; vụ Đông – Xuân xuống giống sớm hơn đảm bảo thu hoạch trước Tết Nguyên đán để tránh bị mặn. Tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, giống lúa chịu mặn,.. làm 2 vụ.

Về nuôi trồng thủy sản, do tình hình mặn lên cao nên các hộ nuôi tôm rất thận trọng, tập trung cải tạo ao, diện tích nuôi thả hiện là là 373ha/kế hoạch 73.700ha.

Kênh, mương không còn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC

Đối với nước sinh hoạt nông thôn, còn 24.394 hộ bị ảnh hưởng hạn mặn cần tiếp tục giải quyết nước sinh hoạt trong thời gian tới. Khắc phục tình trạng này, tỉnh đã triển khai quyết liệt các công trình mở mới, nâng cấp các tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt nông thôn cho người dân để đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân trong mùa hạn, mặn.

Ngành chuyên môn của tỉnh đã đề xuất hỗ trợ Sóc Trăng 7 cống hở cặp tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu để ngăn mặn, trữ ngọt, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông vận chuyển hàng hóa tại các cống hở thuận tiện.

Đến nay, Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn như theo dõi, khuyến cáo người dân tích cực trữ nước ngọt trong các kênh, ao; kiểm tra độ mặn khi lấy nước vào đồng ruộng; sử dụng màng phủ để giữ ẩm, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; sửa chữa các công trình ngăn mặn, vận hành điều tiết phù hợp các cống, gia cố bờ bao, làm tốt công tác nước sạch nông thôn…

Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh triển khai ngay các công trình cấp thiết nhằm khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với tổng số vốn dự kiến khoảng 1.368 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Sóc Trăng trong công tác phòng, chống hạn mặn nên đã kịp thời ứng phó, giảm thiểu thiệt hại với tình hình này.

“Sóc Trăng là 1 trong 7 tỉnh điển hình hạn mặn của khu vực ĐBSCL đã làm tốt công tác chống hạn, mặn. Bộ hoan nghênh Sóc Trăng đã làm tốt công tác này. Thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu, đưa giống ngắn ngày cho nông dân sản xuất lấp vụ 3. Giải quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016 nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn, thiệt hại có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2016 nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh. Lo dịch bệnh nhưng không quên hạn mặn cũng là yêu cầu cấp bách.

Lê Mai (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sóc Trăng: Kiến nghị chi hơn 1300 tỉ đồng cho các công trình chống hạn mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.