Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/ 2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4 (khai mạc ngày 20/10).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo gửi Quốc hội, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại Nghị quyết số 54, Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Đến nay, sau 5 thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kinh tế TP.HCM liên lục tăng trưởng cao, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.
Sau khi kinh tế thành tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm - 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng khi bình quân 6 tháng đạt 3,82%.
Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015). Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tỏng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011- 2015).
Kết quả 5 năm triển khai nghị quyết 54, về quản lý đất đai, TP.HCM báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843ha.
Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cơ chế này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Về thí điểm tăng mức thuế, phí, 5 năm qua, thành phố mới chỉ tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Tổng số thu tăng thêm cho ngân sách thành phố khoảng 132,6 tỉ đồng.
Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Các doanh nghiệp cũng đã áp dụng các giải pháp công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng nước sử dụng, giảm thiểu lưu lượng nước xả thải ra môi trường. Để tăng nguồn lực cho ngân sách thành phố và định hướng tiêu dùng của người dân, TP.HCM kiến nghị tiếp tục được cho thí điểm nội dung này trong thời gian tới.
Đối với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương, trong thời gian tới, thành phố mong muốn tiếp tục thực hiện nội dung này khi xây dựng cơ chế mới để chủ động trong quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của thành phố cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Về cơ chế thưởng vượt thu và đầu tư trở lại từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương trên địa bàn, thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế này trong thời gian tới nhằm bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố. Như năm 2021, số tiền thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố là 1.654 tỉ đồng (gồm thưởng vượt thu 1.000 tỉ đồng; đầu tư trở lại là 654 tỉ đồng)...