Kon Tum: Hội thảo sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam tại huyện Tu Mơ Rông
Hội thảo sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam tập trung phản ánh về quá trình phát hiện, giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh…
Ngày 10/12, UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn tại làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024; chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện.
Chủ trì và điều phối hội thảo có ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông; Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng...
Sâm Ngọc Linh được biết đến là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, là quốc bảo của Việt Nam phân bố tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có khoảng 2.922 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông chiếm 2.883 ha với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 4 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Hiện tại, tỉnh Kon Tum đang triển khai Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông với quy mô khoảng 60 ha. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa ra trồng và mở rộng diện tích cho giai đoạn 2025 – 2030 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Để phát triển vùng trồng, tỉnh Kon Tum phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh trên 31.700 ha. Trong đó vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm Ngọc Linh là 14.754ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m)”.
Với giá trị cao mang lại, sâm Ngọc Linh được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư. Trong 5 năm qua, sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo và hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng từ cây sâm; có những làng, xã là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, huyện đang vươn lên khá giả…
Những năm qua, cây sâm Ngọc Linh được bà con Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trao gửi niềm tin sẽ là cây thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Bà con trong xã đã mạnh dạn vay vốn, thậm chí có nhiều hộ đã bán trâu bò để có tiền mua giống sâm về trồng.
Tại Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn, các giáo sư, tiến sỹ đã tập trung phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh; giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh và đặc biệt là cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Qua đó khẳng định giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe”.
Theo ông Mạnh, hội thảo đã ký kết các nội dung liên quan đến sâm Ngọc Linh, mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm. Cụ thể, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi.
Nếu Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh được thúc đẩy thành lập, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu sâu, toàn diện hơn với cây sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững. Cùng với đó, việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác, sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh.
Theo đề xuất, mong muốn của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tổ chức một cuộc tọa đàm về sâm Ngọc Linh ngay tại vùng cuội nguồn của sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã quyết định tổ chức hội thảo nói trên, nhằm giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác, qua đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong việc lựa chọn các loại sâm để chăm sóc sức khỏe; xây dựng ngành sâm bền vững, hướng đến sớm biến quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh.