Kinh tế xanh

Kon Tum: Phát huy hiệu quả liên kết sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số ở huyện Kon Plông

Tuấn Anh 09:03 15/04/2025

Việc tạo điều kiện và khuyến khích các hợp tác xã (HTX) ở địa phương đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sẽ giúp người dân cải thiện kinh tế, mang lại thu nhập ổn định.

Thời gian qua, huyện Kon Plông luôn quan tâm tạo điều kiện và khuyến khích các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Qua đó, giúp người dân vùng dân tộc thiểu số từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và hình thành những mô hình liên kết sản xuất, chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX Chè sạch Đông Trường Sơn có 19 thành viên và 46 hộ liên kết trồng hơn 60ha cây chè. Mô hình liên kết của HTX hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch, an toàn, mang lại chất lượng cũng như giá trị kinh tế cao, lãnh đạo HTX thường xuyên chú trọng hướng dẫn các thành viên và hộ dân liên kết canh tác theo hướng bền vững. Cụ thể, HTX tổ chức tập huấn cho các thành viên và hộ dân liên kết về kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây chè.

Hiện tại, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn chủ yếu liên kết với người dân trồng các giống chè chủ lực như PH8, ô long kim tuyên, hương bắc sơn, san tuyết. Những giống chè này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Kon Plông, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chè.

Theo giá thị trường hiện nay, sản phẩm chè tươi loại 1 tôm 1 lá có giá 20.000 đồng/kg và loại 1 tôm 2 lá có giá 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình 1ha chè 6-7 năm tuổi có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

171138htx-ca-phe-xu-lanh-mang-den-forest-huong-dan-nguoi-dan-cham-soc-ca-phe-theo-dung-quy-trinh-ky-thuat-anh.jpg
HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest hướng dẫn người dân chăm sóc cà phê. (Ảnh: T.H)

Anh A Vững (thôn Vi Choong, xã Hiếu) cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng mì trên 3 sào đất của gia đình, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đến năm 2022, được sự hỗ trợ từ HTX , anh đã tiến hành cải tạo đất và chuyển từ trồng mì sang trồng chè. Sau 3 năm chăm sóc, vườn chè của anh Vững phát triển tốt, bắt đầu cho hái bói.

Ngoài liên kết trồng chè sạch, trên địa bàn huyện Kon Plông còn có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến mô hình liên kết trồng cà phê xứ lạnh của HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest (xã Măng Cành).

Ông A Thành (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành) cho hay, trước đây gia đình canh tác hơn 2 ha cà phê xứ lạnh theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao.

Kể từ ngày tham gia HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest, ông được hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, vườn cà phê cho năng suất cao hơn. Trong năm vừa qua, vườn cà phê của ông đạt sản lượng hơn 6 tấn, thu về 120 triệu đồng. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2024 gia đình ông mở rộng diện tích, xuống giống thêm gần 3ha cà phê xứ lạnh.

HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest đang liên kết với 14 hộ dân người DTTS với quy mô khoảng 25ha cà phê xứ lạnh. Những hộ dân liên kết được HTX hỗ trợ cải tạo đất, cung cấp cây giống, phân bón, vật tư, hệ thống tưới nhỏ giọt israel, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kon Plông, hiện toàn huyện có 35 HTX, 40 tổ hợp tác đang hoạt động về lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng số khoảng 819 thành viên; hàng chục mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn.

Những năm qua, huyện Kon Plông luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia các mô hình liên kết, hợp tác. Đồng thời, địa phương tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, đã có nhiều hộ dân tích cực tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài liên quan
  • Kon Tum: Giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên nước trên địa bàn
    Diễn biến của thiên tai ngày càng gay gắt và phức tạp, biến đổi khí hậu thất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân tỉnh Kon Tum cũng như tác động đến an ninh nguồn nước và công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kon Tum: Phát huy hiệu quả liên kết sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số ở huyện Kon Plông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.