Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam: Vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng

Hoàng Anh|22/12/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 77 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những chiến công lẫy lừng

Trong Luận cương Chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định sự tất yếu phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền. Vì vậy, khi vừa ra đời, trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, Đảng đã chủ trương thành lập các đội Tự vệ đỏ. Những năm 1940 – 1945, lần lượt các tổ chức vũ trang như: Đội du kích Bắc Sơn, Du kích Nam Kỳ, Đội du kích Ba Tơ, Đội du kích Pắc Bó, Cứu Quốc quân đã ra đời. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh vũ trang đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Ngày 22-12 đã đi vào lịch sử vẻ vang dân tộc, trở thành Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội truyền thống của đất nước.

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Ảnh tư liệu). 

Chỉ 3 ngày sau khi được thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu tiên, diệt đồn Phai Khắt (25- 12), tiếp đó, trận Nà Ngần (26-12). Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là biểu tượng sinh động của ý chí quyết chiến quyết thắng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ buổi đầu còn non trẻ của quân đội cách mạng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta.

Ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945; lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.

Chỉ một thời gian ngắn, sau khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11-1945, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 -1954), với đường lối kháng chiến của Đảng là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân đội ta đã vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy, từ tiến công chiến thuật lên tiến công chiến dịch, tiến công và phản công chiến lược, càng đánh càng mạnh, lập nên những chiến công vang dội. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, quân đội ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” và sau đó là “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, khoét sâu thế yếu của địch, làm cho địch càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua. Với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, một quân đội trang bị thô sơ đã đánh bại đội quân nhà nghề của một cường quốc thực dân.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh phản cách mạng của đế quốc Mỹ: Chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của Eisenhower; chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Kennedy; chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Johnson; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon. Với những chiến thắng vang dội, quân đội ta càng đánh càng lớn mạnh, đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/01/1973. Thừa thắng xông lên, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhưng hòa bình chưa trọn vẹn trên đất nước Việt Nam. Chúng ta vừa tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh, kiến thiết nước nhà vừa chiến đấu với thù trong, giặc ngoài để bảo vệ Tổ quốc. Phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Cống hiến giữa thời bình

Trong 77 năm qua, từ thời chiến đến thời bình, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn ngày đêm thực hiện sứ mệnh bảo vệ Nhân dân, vùng biển, vùng trời, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc… và thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế ở xa Tổ quốc. Càng gian nan, thử thách, các lực lượng quân đội càng tỏ rõ vai trò xung kích, đi đầu, chấp nhận gian khổ, hy sinh, phát huy tốt chức năng “Đội quân chiến đấu – Đội quân công tác – Đội quân lao động, sản xuất”.

Tổ chức Tuần phim “Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam” – Ảnh: QĐND

Trong cuộc chiến với “giặc vô hình” là dịch Covid-19 gần hai năm qua, một lần nữa khẳng định những truyền thống tốt đẹp của mình, đó là: “Dù trong bất kì hoàn cảnh khó khăn nào, quân đội cũng luôn là lực lượng đi đầu”. Ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành điểm tựa vững chắc của Nhân dân. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên cả 3 lực lượng, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã xung phong ra tuyến đầu, tạo thành những “lá chắn thép” trong cuộc chiến với dịch.

Từ những hình ảnh xúc động trong trận chiến với dịch Covid-19 có thể thấy rằng, bộ đội không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn chiến đấu bằng mệnh lệnh của trái tim. Chúng ta sẽ mãi không quên hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ biên phòng dựng lều bạt dã chiến “ăn lán, ngủ rừng” giữa giá rét để sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phối hợp chặt chẽ với các quân khu và các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa, ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, khu cách ly, khu phong tỏa, khu điều trị nhằm ngăn chặn, không để F0 xâm nhập vào nội địa, lan ra cộng đồng. Trên những đường mòn, lối mở, cửa khẩu, bước chân của lực lượng biên phòng tuần tra không nghỉ, xuyên đêm, chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong vùng tâm dịch, các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng tổ chức tiếp nhận, xét nghiệm, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các điểm chốt chặn, các vùng cách ly, phong tỏa nơi tâm dịch. Họ sẵn sàng nhường doanh trại, nơi ăn ngủ để tiếp nhận người cách ly. Những người lính cũng là những tuyên truyền viên tích cực, đi từng ngõ, gõ từng nhà, cần mẫn hướng dẫn Nhân dân phòng, chống dịch; đi chợ, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các điểm dịch, cứu chữa người bệnh… bằng tất cả tấm lòng, trái tim chan chứa tình người.

Ở những địa bàn “nóng” bộ đội đã đến với người dân lúc người dân khó, người dân khổ, lúc người dân đau bệnh, lúc người dân đối diện với sống chết và thậm chí là lo cho người dân không may mất đi… Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, ngay cả những việc riêng tư quan trọng của đời mình…

Có thể khẳng định, khi Tổ quốc và Nhân dân cần, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sẵn sàng lên đường, chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy ở phía trước. Dịch bệnh đang dần qua đi, nhưng những hình ảnh đẹp, sáng mãi bản chất, tinh thần bộ đội Cụ Hồ, vì Nhân dân phục vụ mãi mãi đọng lại trong trái tim mỗi người.

Hoàng Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam: Vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng