(Moitruong.net.vn) – Nằm ngay trung tâm huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nhưng đến nay xã Nậm Hàng vẫn còn 3 bản chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mặc dù xã, người dân đã đề xuất, kiến nghị lên huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư.
Lai Châu thiếu nước sinh hoạt tại huyện Nậm Nhùn
Nếu có dịp đi qua các bản của xã Nậm Hàng mới thấy cuộc sống của người dân bản gần trung tâm xã khác hẳn các bản xa. Điều dễ nhận thấy nhất là nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Do địa bàn của xã rộng, nhiều bản, chia thành nhiều điểm nhóm và cách xa nhau, bên cạnh đó, đường giao thông không thuận lợi nên việc đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Xã đã kiến nghị UBND huyện hỗ trợ bà con mua ống dẫn nước, cấp téc nước cho hộ nghèo và xây dựng công trình nước ở các bản còn lại nhưng chưa được”.
Trước kia, nước sinh hoạt của bà con thường phụ thuộc hoàn toàn vào sự hào phóng của tự nhiên. Các khe suối, mó nước là nguồn sống gần như duy nhất của đồng bào nơi đây. Tuy phải đi gánh, chở nước ở những điểm khá xa nhưng lúc đó rừng còn nhiều, các công trình xây dựng chưa mọc lên nên các mó nước vẫn có nước quanh năm và ít bị ô nhiễm. Thực hiện di dân, tái định cư, việc san lấp mặt bằng tái định cư đã vùi lấp nhiều mó nước, khe suối, mặt bằng lại ở những triền đồi cao, do đó nguồn nước sinh hoạt trở nên khan hiếm hơn. Và, các công trình nước sạch có được đầu tư về một số bản song không phải bản nào, điểm dân cư nào cũng có công trình nước sinh hoạt và đặc biệt là không phải công trình nào cũng phát huy tác dụng như mong muốn.
Đến thời điểm hiện tại, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu có 7/10 bản (mỗi bản có 4 – 5 bể nước) có nước sinh hoạt. Mỗi bể tuy chỉ chứa được 5 – 10m3 nhưng cũng đủ cho bà con sinh hoạt hàng ngày. Người dân 3 bản còn lại: Nậm Lay, Hồng Ngài, Huổi Van 2, do địa hình toàn đồi núi, lại chia thành nhiều điểm nhóm nên việc xây dựng công trình nước gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, xã vận động bà con chuyển lên nơi ở mới để tiện xây dựng công trình nước nhưng cũng phải có thời gian.
Ông Liều A Lành (ở bản Huổi Van 2) tâm sự: Do địa hình chia cắt, giao thông khó khăn nên bản chưa được đầu tư công trình nước sinh hoạt như các bản khác. Hàng ngày lên nương, chúng tôi mang theo xô, thùng để tiện cho việc mang nước về sử dụng. Ngoài ra, bà con còn trông chờ lượng nước ít ỏi từ mưa. Hiện nay, xã đang vận động chúng tôi chuyển đến nơi ở mới để thuận tiện cho việc xây dựng công trình nước.
Ở các bản có công trình nước, xã chủ động tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp lý, không lãng phí, thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn. Các bản tái định cư, nước được dẫn về tận gia đình, không phải đến tận bể lấy nước. Chị Hoàng Thu Phượng (bản Phiêng Luông 2) cho biết: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, chúng tôi không còn phải lo như ngày trước. Mỗi lần họp bản, ai nấy đều được nhắc nhở phải sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, thường xuyên vệ sinh nguồn nước. Tôi luôn khuyên bảo con cháu biết trân trọng nguồn nước đang có”.
Được biết, ở 7 bản có bể nước còn thành lập tổ vận hành nước có nhiệm vụ kiểm tra nguồn, ống dẫn, công-tơ nước, đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Việc bảo vệ nguồn nước được các bản quy định trong hương ước, quy ước, ai vi phạm sẽ xử lý.
Nước có vai trò quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt của con người. Mong rằng đến hết năm 2019, Nậm Hàng sẽ có bể nước ở 3 bản: Nậm Lay, Hồng Ngài, Huổi Van 2 để người dân được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Báo Lai Châu