Những tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn đã phát hiện hàng loạt giếng khoan, đóng trái phép để thăm dò, khai thác nguồn nước tưới tiêu. Các giếng khoan, đóng này được ngụy trang tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, khi người dân phát hiện tố cáo mới giúp cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.
Theo nông dân trên đảo, việc đóng, khoan giếng trái phép là việc làm bất đắc dĩ, vì nguồn nước phục vụ tưới tiêu hiện đã khan hiếm và nhiễm mặn. Dự báo tình trạng thiếu nước tưới trong sản xuất năm nay ở huyện đảo Lý Sơn sẽ diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, sắp tới nông dân trên đảo sẽ gieo trồng hàng trăm héc ta hành tím, nhu cầu nguồn nước tưới tiêu tăng cao, vì thế tình trạng lén lút khoan, đóng giếng để thăm dò, khai thác tài nguyên nước phục vụ tưới tiêu sẽ tăng theo.
Lực lượng chức năng huyện Lý Sơn tiến hành xử lý 01 giếng khoan trái phép để thăm dò, khai thác tài nguyên nước. Ảnh: VOV.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2014 đến nay số lượng giếng trên đảo gia tăng gần gấp 4 lần, từ gần 550 giếng tăng lên gần 2.150 giếng. Tình trạng khoan, đóng giếng trái phép khiến nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Lượng nước được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng chỉ ở mức 16.000m3/ngày, nhưng hiện nay lượng nước khai thác thực tế gần 22.000m3/ngày, hụt gần 5.000m3.
Năm 2020, huyện Lý Sơn cũng đã xử phạt 20 trường hợp khoan, đóng 26 giếng trái phép. Mọi hoạt động khoan giếng mới mang tính cấp bách cần có các thủ tục trình UBND tỉnh cấp phép. Đây là biện pháp cứng rắn để bảo vệ nguồn nước ngầm trên đảo. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, bày tỏ: “Huyện đã tuyên truyền để người dân hiểu việc bảo vệ tài nguyên nước. Về lâu dài huyện kiến nghị tỉnh cho Lý Sơn tăng cường trồng rừng, cũng như xây dựng các hồ trữ nước mưa để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Từ năm 2014 đến nay, số giếng trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tăng gấp gần 4 lần (từ 550 giếng năm 2014 tăng lên gần 2.150 giếng). Tình trạng khoan, đóng giếng trái phép khiến nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Lượng nước được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng chỉ ở mức 16.000m3/ngày, nhưng hiện nay, lượng nước khai thác thực tế gần 22.000m3/ngày.
Hiện tại, hơn 40% giếng nước trên đảo bị nhiễm mặn, tình trạng xâm thực mặn từ biển vào trung tâm đảo cũng đạt đến 2km. Những năm qua, chính quyền huyện Lý Sơn đã triển khai nhiều giải pháp tìm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp như: đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới, các hồ chứa nước trên địa bàn An Vĩnh. Hiện, dự án này đang được điều chỉnh đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thiện các hồ chứa để tích nước mưa cung cấp nước tưới tiêu cho người dân. Đồng thời, việc khoan giếng ở đảo Lý Sơn phải có các thủ tục trình UBND tỉnh cấp phép; chính quyền địa phương cũng mạnh tay với các trường hợp khoan, đóng giếng thăm dò khai thác tài nguyên nước nhưng không xin phép.
Hoàng Anh