Thế giới đang tìm cách xoay xở trước những cơn sóng lạm phát mới - bắt nguồn không chỉ bởi biến đổi khí hậu, mà còn từ chính cuộc chiến chống lại nó.
Một làn gió hân hoan lan tỏa khắp nơi khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt tay vào việc tái thiết nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Đồng thời, các chính phủ cũng sôi nổi ban hành các quy định để kìm hãm những hoạt động phát thải carbon như khai thác mỏ hay luyện kim…
Kết quả là giá các nguyên nhiên liệu cần thiết để xây dựng tương lai xanh, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tăng mạnh vì cung không đủ cầu. Như mọi khi, Phố Wall đã sáng tạo một cái tên cho hiện tượng này: greenflation (lạm phát xanh).
Lạm phát xanh là gì?
Lạm phát xanh là hiện tượng tăng mạnh giá nguyên liệu cần thiết để sản xuất năng lượng xanh.
Trong những năm gần đây, xu hướng "trung hòa carbon" nhằm bảo vệ môi trường khuyến khích các quốc gia giảm lượng phát điện từ than đá. Đây là một trong những lý do mà Trung Quốc cấm hoạt động khai thác Bitcoin, hay các ngân hàng tại Anh thì "mạnh tay" ngừng tài trợ các dự án có lượng phát thải vượt quá quy định.
Các quy định về môi trường cũng ngày càng được thắt chặt khiến những hoạt động khai thác thải ra nhiều carbon bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu và năng lượng. Bản thân "năng lượng xanh" cũng cần những nguyên liệu như đồng, nhôm... Hệ quả của việc này chính là lạm phát.
Lúc này, giá các kim loại trọng yếu cho công nghệ tái tạo như thiếc, nhôm, đồng, niken, cobalt tăng mạnh từ 20% lên 91%. Tiếp đó, giá cả hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục kể từ năm 1973. Tuy vậy, greenflation được nhận định chỉ là mối đe dọa tạm thời trong nỗ lực phủ xanh nền kinh tế.
Năng lượng "sạch" có sạch như ta nghĩ?
Theo định luật bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không tự sinh ra, không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Một trong những thực nghiệm đầu tiên là không thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu!
Khi lời kêu gọi lần đầu tiên giảm phát thải, bảo vệ môi trường bằng cách đoạn tuyệt với năng lượng hóa thạch, người ta đã có ý tưởng sử dụng năng lượng tái tạo, điều này cũng giống như việc bắt tay chế tạo động cơ vĩnh cửu khổng lồ mà ở đó năng lượng không bao giờ cạn kiệt.
Nghịch lý thay, ý tưởng này - nếu như xét trên diện rộng là hoàn toàn bất khả thi. Có nguồn năng lượng nào bất tận hay không? Câu hỏi này không hề khó nếu như lập luận rằng: Gió trời mãi mãi thổi, sóng biển không ngừng vỗ và ánh sáng không bao giờ tắt trên trái đất!
Nhưng, câu hỏi thật khó giải quyết nếu đặt vấn đề ở góc độ, các quốc gia lấy vật liệu gì để tạo ra nền năng lượng được xem là “sạch”. Ồ, hàng loạt nhà máy lọc dầu, hàng triệu tấn thiết bị khai thác than sẽ không dùng đến nhưng cũng tốn vô số tài nguyên để tạo ra turbin gió, tấm pin mặt trời và hàng loạt cơ sở vật chất để vận hành nền năng lượng ấy,…
Như đã thấy, cú chuyển từ năng lượng hơi nước sang năng lượng hóa thạch từng được ngợi ca là thần thánh, giúp con người đạt được hầu hết vinh quang. Nhưng hệ lụy của nó đang hành hạ loài người.
Bước chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo cũng vậy. Người ta không cần đến dầu mỏ, than đá, nhưng rất cần chất bán dẫn, đồng, nhôm, chì, thiếc, vàng,…chúng sẽ đắt hơn gấp bội.
Và lòng đất không yên ổn chút nào, những quặng mỏ đồng, nhôm lớn nhất ở Nam Mỹ, Phi châu sẽ giúp các quốc gia giàu lên như cách người Trung Đông thịnh vượng nhờ dầu mỏ.
Theo các chuyên gia, một nhà máy năng lượng mặt trời sử dụng đồng nhiều gấp 6 lần so với nhà máy thủy điện. Để tạo ra đồng dẫn điện tốt nhất là quá trình dài, rất phức tạp, gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất trong ngành luyện kim màu.
Tương tự như vậy, nhu cầu về nhôm tăng rất nhanh trong thời gian tới, vì nhôm là một trong số kim loại tối cần thiết với các dự án năng lượng xanh. Muốn có nhôm cần khai thác boxit - quá trình gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng nhất từng được phát hiện.
Khoảng 75% điện năng của Trung Quốc đến từ thủy điện, 80% năng lượng của Mỹ nhờ vào than đá, dầu khí. Như vậy, nền năng lượng “xanh” sẽ ngốn lượng tài nguyên khổng lồ để hoàn thành mục tiêu giảm phát thải về giữa thế kỷ này.
Hiện tại cuộc chiến âm thầm giành giật các mỏ Lithium giữa các cường quốc, mỗi tấn nguyên liệu Lithium đã tăng từ 6.500 USD năm 2015 lên 20.000 USD năm 2018. Vì sao vật liệu này tăng giá phi mã như vậy?
Câu trả lời nằm ở ngành công nghiệp ô tô điện đang bùng nổ, Lithium là thành phần chính cấu tạo pin. Cơn sốt Lithium, đồng, nhôm kéo theo hàng loạt vấn đề không có lời giải, đó là lạm phát, xung đột vũ trang và phụ thuộc.
Nhu cầu tăng trưởng, phát triển không thể nào trật ra ngoài đường ray khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác không thể có nền kinh tế sạch được xây dựng trên vật liệu bẩn.
Và dù khoa học công nghệ có tiến bộ tới đâu cũng không thể tạo ra vật liệu thay thế những thứ có sẵn trong tự nhiên. Năng lượng “sạch” không hề sạch như ta vẫn nghĩ.
Nguồn nguyên liệu không sạch đang dần bị cạn kiệt
Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến sự nổi lên của bộ ba yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong câu chuyện phát triển bền vững. Nhưng hệ quả không mong đợi là sự khan hiếm và sau đó là tăng giá của kim loại và khoáng sản, bao gồm đồng, nhôm và lithium - những nguyên liệu cần thiết để sản xuất điện mặt trời và điện gió, ôtô điện và các công nghệ tái tạo khác.
Ví dụ, nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, thế giới đang cần thêm nhiều đồng. Lượng đồng sử dụng trong các nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió nhiều gấp sáu lần so với công nghệ phát điện cũ, vì năng lượng tái tạo thường đòi hỏi nhiều dây dẫn điện hơn. Thế nhưng, các nhà bảo vệ môi trường đã ra sức ngăn cản một mỏ mới ở Alaska (Mỹ) đi vào hoạt động, vì lo ngại tác động của nó đến người dân và loài cá hồi địa phương.
ESG cũng không còn là đặc quyền của những nước giàu. Chẳng hạn những gì đang diễn ra ở Chile và Peru, nơi cung cấp gần 40% sản lượng đồng của thế giới. Ngày xưa, một dự án khai khoáng chỉ mất 5 năm chuẩn bị, nay có thể mất 10 hoặc hơn thế, theo bài bình luận ngày 2-8-2021 của chiến lược gia Ruchir Sharma trên tờ Financial Times.
Một dự án lớn ở Peru, những tưởng có thể mở cửa hồi 2011, đến nay vẫn chưa đâu vào đâu vì sự phản đối của cộng đồng địa phương. Chỉ riêng năm ngoái, Chile đã ban hành hai bộ quy định về môi trường và đang xem xét mức thuế tài nguyên mới - hứa hẹn sẽ khiến những mỏ khai thác lớn nhất của nước này không thể sinh lãi.
Sự “thức tỉnh” của Trung Quốc cũng tạo ra không ít sóng gió cho thị trường nguyên liệu toàn cầu. Độ 10 năm trước, quốc gia này khai thác và sản xuất quá mức các nguyên liệu thô, như quặng sắt và thép, khi dư thừa thì “tống” ra thị trường nước ngoài. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã tiết chế hơn. Là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, Trung Quốc gần đây đã cắt giảm kinh phí cho khâu nấu chảy quặng, vì nó vốn thải ra rất nhiều khí nhà kính.
Hẳn là những việc làm đầy thiện chí để bảo vệ môi trường. Nhôm là một trong những kim loại “bẩn” nhất khi xét đến quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những kim loại quan trọng nhất đối với các dự án năng lượng xanh. Ngân hàng Thế giới dự báo nhu cầu về nhôm sẽ tăng vọt mạnh mẽ trong tương lai gần.
Tóm lại, những nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế sạch đang thúc đẩy nhu cầu của một số nguyên liệu và khoáng sản, trong khi nguồn cung của chúng cũng đồng thời bị thắt chặt, dẫn đến lạm phát xanh. Năm 2021, giá các kim loại như thiếc, nhôm, đồng, niken, coban đã tăng từ 20% lên 91%.
Vẫn cần duy trì nguồn năng lượng hóa thạch
Thế giới đang tồn tại một nghịch lý cung - cầu khác: việc kiến thiết nền kinh tế xanh giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch vẫn cần tiêu thụ nhiều dầu mỏ trong giai đoạn chuyển đổi, và giá dầu toàn cầu thì vừa lập đỉnh mới trong vòng 7 năm.
Châu Âu cũng đang ở trong tầm ngắm của một cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên nghiêm trọng, vốn đang làm chao đảo các thị trường năng lượng trên toàn thế giới. Chưa hết, nhu cầu toàn cầu về than đá - cái tên bẩn nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch - đã tăng lên mức cao kỷ lục khi các nền kinh tế phục hồi từ sau đại dịch.
Ngay cả khi chúng ta đã có các nhà máy năng lượng tái tạo đua nhau đi vào hoạt động, thế giới nhìn chung sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều năm tới, cho tới khi ta có đủ năng lượng sạch cho tất cả nhu cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng đầu tư vào sản xuất dầu khí đã giảm mạnh trong vài năm qua. Tuy nhiên, Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh), đã cảnh báo rằng giá dầu tăng cao có thể hấp dẫn các công ty năng lượng đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án khoan mới.
Nếu thiếu sự quản lý cẩn thận, giá năng lượng sẽ biến động. Và khi đó, nó có thể sẽ làm suy yếu ý chí của cuộc chiến ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Nhìn vào dài hạn
Những người lạc quan về tình trạng lạm phát xanh đã đặt niềm tin vào một khái niệm gọi là “kinh tế theo quy mô” (economy of scale). Nôm na là: Nếu sản xuất với quy mô càng lớn, thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, nhờ đó lợi nhuận gia tăng.
Như vậy, việc sản xuất những tấm pin mặt trời với số lượng lớn hơn hiện tại cùng chi phí đầu vào ít hơn, là một kế hoạch khả thi. Ngoài ra, chi phí chung sẽ được giảm nhờ mở rộng quy mô, chẳng hạn như chi phí giấy phép, chi phí nhân công để lắp đặt và chi phí quảng cáo để tìm kiếm khách hàng mới.
Vì vậy, sự tăng giá, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng với một số mặt hàng và hàng hóa cần thiết cho các dự án xanh, “sẽ không phải là mối đe dọa lâu dài đối với khả năng sinh lời của năng lượng sạch”, theo nhận định của các nhà cố vấn tại Diễn đàn thị trường toàn cầu Reuters vào năm ngoái.
Ở một cách nhìn khác, giá xăng dầu cao không phải lúc nào cũng là tin xấu đối với năng lượng sạch. Chẳng hạn, tình trạng này có thể thúc đẩy mọi người mua xe điện và nhờ đó làm giảm nhu cầu xăng dầu. Năm ngoái, ôtô điện chiếm 20% tổng doanh số xe bán ra ở châu Âu và 15% ở Trung Quốc, theo nhóm nghiên cứu BloombergNEF.
Năm 2021, thế giới chỉ đầu tư 755 tỉ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo bất kỳ thước đo lịch sử nào, đó là một số tiền khổng lồ… Nhưng chúng ta cần tới 4.000 tỉ USD trong thập niên tới để nhiệt độ hành tinh không tăng hơn 1,5oC, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, theo IEA.
Xây dựng một hệ thống mới phải chấp nhận tốn kém. Nhưng trong suốt quá trình ấy, các quốc gia cần có những chính sách thận trọng và hợp lý, tránh việc loại bỏ những hệ thống cũ quá nhanh, nhanh đến mức chúng làm suy yếu nền móng cho sự canh tân.