Ngày 15/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức chương trình Hội thảo xin ý kiến các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan đối với Dự thảo Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật thuật thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Dự thảo Thông tư ban hành Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành, Bộ TN&MT đã phối hợp với các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm triển khai tổng hợp, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc; đề xuất nội dung sửa đổi quyết định số 592/QÐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng về định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị. Triển khai xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là sớm hoàn thiện Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ngay trong những tháng đầu năm 2024, Bô Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương làm viêc với Sở TN&MT của 16 tỉnh/thành phố, đại diện cho các vùng miền trên phạm vi cả nước; đồng loạt tổ chức khảo sát, kiểm chứng đối với dự thảo các quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật, có sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học với hơn 100 ngày làm việc liên tục.
Sau quá trình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đến nay, dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cơ bản đã được hoàn thiện.
Để đảm bảo các nôi dung ban hành đạt được sự kỳ vọng của các địa phương, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Sở TN&MT, các Công ty Môi trường đô thị, các Công ty vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các đơn vị liên quan của 32tỉnh/ thành phố khu vực phía Bắc. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoat. Bộ TN&MT mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các địa phương để dự thảo 02 Thông tư sớm được hoàn thiện, ban hành, làm cơ sở cho các địa phương đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại rác thải tại nguồn như quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Liễu, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết dự thảo được áp dụng đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi đã được phân loại tại hộ gia đình, cá nhân.
Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đây sẽ là định mức kinh tế - kỹ thuật cơ bản, phổ biến. Các thành phần hao phí trực tiếp sẽ được kế thừa theo quan điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quyết định 592/2014 của Bộ Xây dựng, bao gồm nhân công trực tiếp, vật tư trực tiếp, máy và thiết bị trực tiếp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nhiều phương án để các địa phương lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thứ cấp phát sinh như nước rỉ rác, khí thải từ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt... được lồng ghép vào định mức kinh tế kỹ thuật của cơ sở xử lý.
Dự thảo thông tư không bao gồm quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật vệ sinh đô thị, nông thôn (quét, vệ sinh đường giao thông; thu vớt rác, vớt bèo trên kênh, rạch, sông, ven biển; tưới nước, rửa đường; xử lý phân bùn, bể phốt; vận hành nhà vệ sinh công cộng).
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đề xuất bổ sung định mức cho phần làm sạch, xử lý nước rỉ rác từ các trạm trung chuyển rác, các loại vật liệu như cắt tỉa cành cây, vật liệu xây dựng từ các hộ gia đình.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của địa phương trong quy hoạch khu vực tập kết rác thải, trung chuyển rác hợp vệ sinh; có chính sách quan tâm đến người lao động thu gom, vận chuyển rác thải ở nông thôn bởi họ chỉ là lao động phổ thông.