Lễ cúng Tết Thanh minh 2024 đầy đủ cần chuẩn bị những gì?

Minh Lan|03/04/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt Nam. Vào ngày này, để tỏ lòng hiếu kính, các gia đình sẽ đi tảo mộ, bày mâm cúng để cầu bình an.

Tết Thanh minh là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những bậc tiền nhân. Đây là thời khắc thiêng liêng, khi truyền thống tôn kính tổ tiên được mỗi người Việt Nam gìn giữ và thể hiện qua hành động quay về cội nguồn, dù có xa xôi, để chăm sóc và tưởng nhớ mộ phần của người đã khuất.

Một năm có 24 tiết khí, tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5. Năm 2024, Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 đến hết ngày 19/4 Dương lịch.

Ngày đầu tiên trong tiết Thanh minh được gọi là ngày Tết Thanh minh. Trong ngày này, người dân thường làm mâm cúng dâng lên bàn thờ gia tiên và đi tảo mộ. Bởi vậy, ngày Tết Thanh minh thường có 2 phần lễ cần chuẩn bị.

Cúng Tết Thanh minh cần chuẩn bị lễ vật gì?

Tùy theo phong tục từng địa phương, mâm cúng Tết Thanh minh sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là một mâm cơm dâng ông bà tổ tiên.

Lễ cúng Thanh minh ở mộ

Lễ cúng Tết Thanh minh ở phần mộ tổ tiên có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng điều kiện và truyền thống của mỗi gia đình. Các lễ vật gồm:

Hương, đèn
Chè, rượu, nước
Trầu cau
Tiền vàng
Hoa quả

Mâm cỗ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh, nước, gạo muối, bỏng, chén mật ong. Mâm cỗ mặn ngoài những thứ trên có thêm rượu thịt, xôi, gà luộc hoặc khoanh giò.

Nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn có thể chung. Cần sắp lễ vật gọn gàng, đựng các lễ vật bằng đĩa, khi bày trên mặt đất cần lót chiếu hoặc khăn và để tại nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ cúng.

tet-thanh-minh-2.jpg
Lễ cúng Tết Thanh minh ở phần mộ tổ tiên có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng điều kiện và truyền thống của mỗi gia đình.

Khi cúng xong, cần đợi hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.

Theo tục lệ của người Việt, trong dịp Thanh minh, mọi người mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy bỏ cỏ dại và những cây bụi mọc trùm lên mộ, tránh tình trạng rắn, chuột đào hang, làm tổ hay thu hút trâu bò đến phá, quấy rối, xâm phạm tới linh hồn người đã khuất.

Với những khu mộ đã xây, người ta quét dọn sạch sẽ, sau đó người tảo mộ thắp hương, đặt lễ để cúng mộ.

Không chỉ dâng mâm lễ cũng thắp hương cho phần mộ gia tộc mình, trong dịp Tết Thanh minh, người Việt còn giúp quét dọn, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc ít người thăm viếng, thể hiện lòng thương cảm, chia sẻ... để người đã khuất được ấm lòng, đỡ cô đơn buồn tủi.

Lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà

Mâm cơm cúng Tết Thanh minh không cần quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà tùy vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục tập quán của mỗi địa phương mà sắm sửa cho phù hợp, quan trọng là lòng thành của con cháu.

Mâm cỗ mặn cúng Tết Thanh minh tại nhà thường có:

Xôi
Gà luộc
Canh măng
Miến
Món xào
Một số lễ vật khác như: hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã…

tet-thanh-minh-1.jpg
Lễ vật cúng Thanh Minh không quá cầu kỳ nhưng phải đầy đủ để cúng 2 nơi là nơi đặt mộ và cúng gia tiên ở nhà.

Các gia đình Phật tử thường chuẩn bị mâm cúng chay. Trong điều kiện không cho phép thì các gia đình có thể không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh mà chỉ cần thắp hương, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo…. để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.

Trước khi cúng Tết Thanh minh, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ lộc.

Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ Tết Thanh minh

Theo quan niệm được lưu truyền, có 1 số điều kiêng kỵ phải tránh; hoặc cần tuân thủ sau đây khi đi tảo mộ trong Tết Thanh minh.

- Không lớn tiếng, ồn ào. Nghĩa trang là nơi an nghỉ của người đã khuất; cho dù đã lễ xong, nếu chưa rời khỏi đó, cũng không được ầm ĩ.

- Không giẫm lên phần mộ của người khác. Ở các vùng nông thôn, một số bia mộ cũ sẽ được đặt gần nhau và các ngôi mộ thường được sắp xếp theo thâm niên của gia đình. Phải hết sức cẩn thận khi đi tảo mộ, không được bất cẩn giẫm lên mộ của người khác. Điều này là bất kính với người đã khuất.

- Phụ nữ đang trong kỳ hành kinh, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khí lạnh, năng lượng xấu ở đây.

- Bởi vì tảo mộ là khoảng thời gian gia đình tụ tập lại với nhau nên thường chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang nên hạn chế chụp ảnh tại đây.

- Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, nên thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Khi dọn dẹp mộ phần nên dọn sạch sẽ trước sau cũng như kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong.

- Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác để tránh mang xui xẻo đến cho mình cũng như đây là việc bày tỏ sự tôn trọng với người đã mất.

Ngoài việc tảo mộ và cúng bái, ngày Tết Thanh minh cũng là dịp để nhắc nhở về những giá trị đạo đức, lòng biết ơn và tình cảm gia đình. Điều này không chỉ giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống mà còn là cơ hội để mỗi người thấu hiểu và đề cao ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống.

Bài liên quan
  • Hội Lim: Nét văn hóa đặc sắc miền Kinh Bắc
    Lễ hội vùng Lim - Lễ hội đầu xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh) sẽ được diễn ra từ ngày 12-13 tháng Giêng. Tại đây, những làn điệu quan họ hát đối mượt mà giao duyên, hay những trò chơi dân gian đặc sắc… sẽ làm say đắm du khách khi ghé thăm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cúng Tết Thanh minh 2024 đầy đủ cần chuẩn bị những gì?