LHQ kêu gọi Nhật Bản không vội xả nước nhiễm phóng xạ trực tiếp ra Thái Bình Dương

Ngọc Linh (t/h)|11/06/2020 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhóm chuyên gia về quyền con người của Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Nhật Bản xem xét lại việc xả lượng lớn nước nhiễm phóng xạ trực tiếp ra Thái Bình Dương.

Ngày 9/6, các chuyên gia Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Nhật Bản không vội xả nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển cho đến khi tiến hành các cuộc tham vấn với các cộng đồng và những nước láng giềng bị ảnh hưởng.

Một nhóm chuyên gia về quyền con người của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước các thông tin cho rằng Chính phủ Nhật Bản đã đẩy nhanh việc xem xét xả nước thải phóng xạ ra đại dương mà không có thời gian biểu hay cơ hội cho các cuộc tham vấn.

Nhóm này kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hoãn quyết định nói trên cho đến khi kiểm soát được đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó các bên có thể dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho rằng việc hoãn các sự kiện thể thao Olympic và Paralympic đã đẩy nhanh quá trình ra quyết định của Chính phủ Nhật Bản.

Trong bối cảnh dịch bệnh cản trở các cuộc thảo luận chuyên sâu với các bên liên quan về vấn đề này, các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện để tổ chức các cuộc tham vấn về xử lý chất thải hạt nhân vốn đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của ngư dân địa phương, cũng như các nước lân cận.

Nhật Bản hiện đang tích trữ khoảng một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại các bể chứa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Nước nhiễm phóng xạ từ nhiều nguồn khác nhau như nước sử dụng cho việc làm mát tại nhà máy, nước bề mặt và nước mưa thấm vào bên trong nhà máy hằng ngày, đều đã được xử lý với một quy trình lọc đặc biệt giúp loại bỏ hầu hết các phóng xạ và chỉ còn lại triti.

Ban điều hành của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho biết nhà kho của họ sẽ hết chỗ chứa vào năm 2022

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra quyết định về cách xử lý vấn đề giải quyết cho tới khi nhận được báo cáo từ hội đồng chuyên gia. Một số giải pháp khác bao gồm xử lý bốc hơi hoặc lưu trữ trên đất liền trong một thời gian dài.

Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia Hiroshi Miyano đến từ Hiệp hội Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản cho biết có thể mất 17 năm để xả nước đã xử lý sau khi nó được pha loãng. Điều này nhằm giảm lượng chất phóng xạ xuống mức đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của nhà máy.

Nước này đang xem xét các cách xử lý nước bị nhiễm phóng xạ một cách an toàn, bao gồm cả việc xả ra Thái Bình Dương thông qua quy trình bốc hơi, khi các bồn chứa nước thải này dự kiến sẽ đầy vào mùa Hè năm 2022.

Các chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản đề nghị chính phủ nước này có thể từng bước xả nước nhiễm phóng xạ ra Thái Bình Dương.

Cơ sở của lời khuyên này là việc xử lý đã loại bỏ tất cả các nguyên tố phóng xạ hoặc chỉ còn tỷ lệ rất thấp nên vẫn an toàn cho con người.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
LHQ kêu gọi Nhật Bản không vội xả nước nhiễm phóng xạ trực tiếp ra Thái Bình Dương