Ngày 6.6, đánh dấu tròn 20 năm kể từ khi người dân Teshima – một hòn đảo ngoài khơi tỉnh Kagawa, Nhật Bản – đạt được thỏa thuận về việc xử lý 913.000 tấn chất thải công nghiệp bất hợp pháp.
Từ những năm 1980 trở đi, các nhà thầu Nhật Bản liên tục đưa chất thải công nghiệp đổ ra đảo bất hợp pháp. Do đó, hòn đảo Teshima được biết đến như một “đảo rác”. Cư dân ở đây đã đấu tranh trong rất nhiều năm nhưng mãi đến năm 2000, vụ việc mới được giải quyết.
Tính đến năm 2003, tức là trong khoảng 16 năm, tổng cộng có 913.000 tấn chất thải đổ ra đảo bất hợp pháp. Vào thời điểm đó, người dân của Teshima đã tìm mọi cách để biến vùng đất này hồi sinh.
Hòn đảo Teshima, Nhật Bản gắn liền với cái tên “đảo rác” trong suốt 20 năm qua. Ảnh: Mainichi
Do tỉ lệ sinh thấp nên dân số của hòn đảo đã giảm xuống một nửa, chỉ còn 782 người tính đến ngày 1.5.2020. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn quyết tâm để biến hòn đảo trở về trạng thái ban đầu.
Họ đã gửi đơn đến tỉnh đề nghị gỡ bỏ tất cả các bức chắn ngăn dòng nước bị ô nhiễm và hồi phục khu vực ven biển về trạng thái như cũ với sự trợ giúp từ thiên nhiên. Cư dân hòn đảo mong muốn mang lại một bãi biển tuyệt đẹp với cát trắng và thông xanh mà không có sự can thiệp của con người, ngay cả khi phải mất một khoảng thời gian.
“Người dân ở đây đứng lên để đối mặt với vấn đề này chỉ với hy vọng hồi phục lại hòn đảo xinh đẹp. Tôi cũng muốn chứng kiến điều này, để hòn đảo trở thành một niềm tự hào của người dân nơi đây và của cả thế hệ tương lai” – Mainichi dẫn lời ông Shozo Aki, người đứng đầu phong trào xã hội liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường của cư dân Teshima.
Tỉnh đã thành lập một nhóm chuyên gia để đưa ra cách xử lý nước ngầm ở bãi thải cũ và bảo tồn khu vực ven biển, để biến “đảo rác” trở thành một hòn đảo xinh đẹp.
Theo Lao Động