Lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Tháng Công nhân tại Việt Nam

Tuấn Kiệt|01/05/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động.

Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động 1/5 trên thế giới

Cách đây 137 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề. 

Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. 

Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Ngày nay trên thế giới, ngày Quốc tế Lao động thường liên quan đến việc kỷ niệm những thành tựu của phong trào lao động. Ngày lễ này được tổ chức như một kỳ nghỉ chính thức ở hơn 80 quốc gia trên thế giới bằng những bữa tiệc lớn với nhiều chương trình chào mừng. Biểu ngữ, cờ hoa cũng được trang trí khắp nơi để kỷ niệm ngày này. Nhiều chương trình trên truyền hình, đài phát thanh với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về ngày Quốc tế Lao động, vai trò, quyền lợi của người lao động cũng được tổ chức.

b1531b00-973f-4012-89b3-72f6a08d6040.jpeg
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Việt Nam

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. 

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động. Trước đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.

Nhằm chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận về việc lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Đồng thời, từ năm 2017, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động.

Kể từ đó, tháng 5 – Tháng Công nhân – Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.

Bài liên quan
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5
    Moitruong.net.vn – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Bác là người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Tháng Công nhân tại Việt Nam