Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ không đạt mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Lan Hạ|30/07/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ vượt xa mức giới hạn dưới 2 độ C của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015. Song chính phủ các nước vẫn chưa triển khai các chính sách để hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất.

29-bdkh.jpg
Trong vòng 5 năm qua, khoảng 2.180 vụ kiện liên quan đến khí hậu đã được đệ trình trên 65 khu vực pháp lý, tăng hơn gấp đôi

Ông Jim Skea (nhà khoa học người Scotland) đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters sau khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.

Giải thích cho nhận định trên, ông Skea cho rằng, việc chính phủ các nước chỉ dừng lại ở các kế hoạch hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng gần 3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C, nhằm tránh những tác động xấu nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Tân Chủ tịch IPCC của Liên hợp quốc cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, chính phủ các nước cần triển khai các chính sách “mạnh tay” và mau lẹ nhằm cắt giảm mức phát thải khí nhà kính.

Các vụ kiện về biến đổi khí hậu tăng hơn gấp đôi

Dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc, hãng tin Reuters ngày 27/7 cho biết, số lượng các vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm do các tác động từ việc thu hẹp nguồn nước đến các đợt nắng nóng nguy hiểm tấn công hàng triệu người.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Đại học Columbia của New York (Mỹ), trong vòng 5 năm qua, khoảng 2.180 vụ kiện liên quan đến khí hậu đã được đệ trình trên 65 khu vực pháp lý. Báo cáo cho biết, tính đến năm 2017, chỉ có 884 trường hợp được ghi nhận tại 24 khu vực pháp lý.

Maria Antonia Tigre, thành viên cao cấp tại Trung tâm Sabin của Columbia, nói: “Số vụ kiện đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua”. Trong khi Mỹ dẫn đầu với hơn 1.500 vụ kiện, chiều hướng này đang gia tăng ở các quốc gia khác. Theo báo cáo, khoảng 17% đơn kiện đã được đệ trình ở các nước đang phát triển, trong đó có Brazil và Indonesia - những quốc gia có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất.

Andrew Raine, người đứng đầu bộ phận luật môi trường quốc tế của UNEP cho biết, khi người dân trông chờ vào các chính phủ và tập đoàn hạn chế phát thải khí nhà kính và phải gánh chịu hậu quả nếu biện pháp các chính phủ đưa ra không đủ thì "mọi người ngày càng tìm đến tòa án để tìm câu trả lời".

Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2021, một tòa án Hà Lan đã yêu cầu Tập đoàn Shell giảm 45% lượng khí thải carbon dioxide so với mức của năm 2019 vào năm 2030.

Ở "lục địa già", hàng nghìn phụ nữ lớn tuổi Thụy Sĩ đã kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, cáo buộc những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của chính phủ đã vi phạm nhân quyền. Nhiều trường hợp liên quan đến các khiếu nại dựa trên các cáo buộc về hành vi tẩy chay các công ty, một số tìm cách buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc không thực thi các luật và chính sách liên quan đến khí hậu...

Bài liên quan
  • Biến đổi khí hậu có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu
    Theo cảnh báo của các chuyên gia, biến đổi khí hậu có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa siêu lớn - một phần của nhóm các tác nhân đang kéo chậm nền kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ không đạt mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu