Theo nghiên cứu mới thuộc Trung tâm Hải Dương học Quốc gia Anh và Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ được công bố ngày 12/7 trên tạp chí Nature cho biết, hơn 56% đại dương trên thế giới đổi màu ở mức độ nào đó. Màu sắc của đại dương thay đổi đáng kể trong 20 năm qua, nhiều khả năng nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.
Báo cáo cũng nêu lên một thực tế khó giải thích, các đại dương nhiệt đới ở gần xích đạo đang trở nên xanh (lá) hơn trong 2 thập niên qua. Đây là hiện tượng phản ánh những thay đổi đã xảy ra cho các hệ sinh thái của chúng.
Màu sắc của đại dương xuất phát từ những vật liệu được tìm thấy ở những tầng trên của biển cả. Chẳng hạn, biển màu xanh dương đậm ít mang theo sự sống, trong khi biển màu xanh lá chỉ sự hiện diện của các hệ sinh thái, dựa vào thực vật phù du, các loại vi khuẩn như thực vật chứa chlorophyll.
Thực vật phù du hình thành nên nền tảng của mạng lưới thức ăn cho các sinh vật lớn hơn, như loài tôm he, cá, chim biển và động vật biển có vú.
Stephanie Dutkiewicz, nhà khoa học ở khoa Khoa học Trái Đất, khí quyển và hành tinh của Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm khoa học biến đổi toàn cầu và cộng sự chưa biết chính xác các hệ sinh thái này thay đổi như thế nào. Dù một số khu vực nhiều khả năng có ít sinh vật phù du hơn và ngược lại, mọi đại dương sẽ đều trải qua thay đổi về loại sinh vật phù du.
Hệ sinh thái đại dương ở trạng thái cân bằng và bất kỳ thay đổi nào về sinh vật phù du sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong chuỗi thức ăn. Mọi thay đổi gây ra sự mất cân bằng trong tổ chức tự nhiên của hệ sinh thái.
Tình trạng mất cân bằng như vậy sẽ càng tồi tệ hơn theo thời gian nếu các đại dương tiếp tục ấm lên, Dutkiewicz cho biết. Nó cũng ảnh hưởng tới khả năng lưu trữ carbon của đại dương do sinh vật phù du khác nhau hấp thụ lượng carbon khác nhau. Trong khi nhóm nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định tác động của thay đổi, họ nhấn mạnh nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.