Liên tiếp sạt lở, sụt lún tàn phá những tuyến đường vùng ngọt hóa Cà Mau

Trúc Lam (t/h)|23/05/2020 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kể từ cuối tháng 2/2020, trên tuyến Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau đã liên tiếp xảy ra 10 vụ sụt lún khiến đường sá tan hoang, hư hỏng nặng

Tối 22/5, ông Trần Thanh Đoàn – chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) – cho biết lại có thêm một vụ sụt lún trên tuyến đường Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc.

Vụ sụt lún xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng nay, 22/5, tại lý trình Km 21+550, cách cầu Nông trường khoảng 1,7km về hướng cầu Cơi Năm, thuộc ấp Cơi Năm B (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Tại hiện trường, khu vực sụt lún có chiều dài 39m, chiều sâu sụt lún ở vị trí sâu nhất tới 3,3m. Đây cũng là vụ sụt lún thứ 10 kể từ cuối tháng 2-2020 đến nay, tổng chiều dài sụt lún hơn 400m.

Theo thống kê, đây là vụ sụt lún thứ 10 kể từ cuối tháng 2/2020 đến nay, tổng chiều dài sụt lún hơn 400m.

Trên tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc xảy ra sụt lún vào sáng 22/5.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đã cử lực lượng xuống hiện trường, thực hiện rào chắn khu vực sụt lún, cắm biển cảnh báo và thực hiện điều tiết giao thông.

Tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc có chiều dài hơn 10 km, do Sở Giao thông vận tải Cà Mau quản lý. Đây là một trong hai tuyến ô-tô huyết mạch về trung tâm xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc của huyện Trần Văn Thời. Đầu năm 2020, tuyến đường trên dự kiến phân cấp giao về cho huyện quản lý, nhưng liên tục xảy ra sụt lún nên chính quyền huyện Trần Văn Thời chưa chịu nhận bàn giao.

Hạn hán gay gắt kéo dài đã gây nên nhiều hệ lụy tại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Ngoài ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi…, hạn hán còn làm hơn 1.160 vị trí sụt lún, hư hỏng các công trình giao thông vùng ngọt, tổng chiều dài lộ hư hỏng hơn 25.240m. Tình trạng lộ hư hỏng đã tác động không nhỏ đến giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, mùa khô năm nay xuất hiện sớm và mức độ gay gắt hơn so những năm trước đây đã khiến cho nhiều kênh, rạch ở Cà Mau rơi vào tình trạng bị khô cạn, là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, tỉnh Cà Mau phối hợp với các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn Trung ương đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình sụt lún đất nói riêng nhằm xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả để thực hiện.

Trúc Lam (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Liên tiếp sạt lở, sụt lún tàn phá những tuyến đường vùng ngọt hóa Cà Mau
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.