Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp và khá rõ nét của BĐKH do điều kiện thời tiết, khí tượng cực đoan gây ra.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những đợt mưa lớn kéo dài và đã có những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh (điều mà hầu như chưa từng được ghi nhận trước đây) gây ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường và thiệt hại về kinh tế, đời sống người dân gặp khó khăn. BĐKH còn làm thay đổi lượng mưa, gia tăng nhiệt độ trên địa bàn tỉnh dẫn đến tình trạng thiếu nước vào mùa khô.
Biến động bất thường của điều kiện tự nhiên, sự tác động của con người lên không gian vùng bờ làm thay đổi hiện trạng vùng bờ. Các khu vực đáng lo ngại nhất về xói lở và bồi lấp đã được nghiên cứu, xác định là khu vực Cửa Lấp thuộc TP.Vũng Tàu và xã Phước Tỉnh, thuộc huyện Long Điền; khu vực cửa Lộc An thuộc huyện Đất Đỏ, khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc, Phước Thuận và Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến ngành du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng, đường giao thông và cư dân sinh sinh sống ven bờ.
Ngoài ra, rác thải đại dương, nhất là rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu và Côn Đảo ngày càng nhiều. Hai năm gần đây, rác đại dương dạt vào bờ biển Vũng Tàu kéo dài 4-5 tháng.
Để ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch hành động số 49-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện 35 nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân, chính quyền các cấp đã ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng BĐKH. Từ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải đã được tăng cường. Nguồn nước cấp đã được bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Hạ tầng kỹ thuật về xử lý chất thải đã được đầu tư cải thiện, tạo điều kiện chủ động trong việc giải quyết, xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, Bà Rịa-Vũng Tàu được Bộ TN-MT đánh giá là 1 trong 5 địa phương trong cả nước xếp mức tốt trong Bộ chỉ số đánh giá môi trường. Năm 2021, tỉnh xếp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành cả nước, ông Hải chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần có 2 nhóm giải pháp cơ bản về ứng phó với BĐKH: Nhóm giải pháp kiểm soát sạt lở đất, lũ lụt, ngập úng cục bộ do thời tiết, khí tượng cực đoan gây ra và nhóm giải pháp thích ứng BĐKH áp dụng cho khu vực vùng bờ.
Cụ thể, chúng ta cần tiếp cận xu hướng quản lý nước mưa chảy tràn ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư làm thay đổi mục đích sử dụng đất, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông và khu đô thị. Theo đó, cần ưu tiên chọn giải pháp thân thiện môi trường, tôn trọng quy luật dòng chảy, hạn chế tác động làm thay đổi, chia cắt địa hình tự nhiên và kết cấu địa chất trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, đô thị, giao thông, du lịch…
Trong điều kiện BĐKH như hiện nay, việc bảo vệ vùng bờ có tầm quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Do đó, vùng bờ cần phải được xem xét như là một tổng thể không gian thống nhất không thể chia cắt bao gồm vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Vì vậy, để phù hợp với xu hướng chung và để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra, phạm vi không gian khu vực vùng bờ cần được quy định thống nhất điều chỉnh bằng pháp luật riêng, tương tự như là đối với đất đai và không gian biển hiện nay.
Về giải pháp thích ứng BĐKH cho vùng bờ, cần có quy định yêu cầu bắt buộc đánh giá chi phí - lợi ích một cách đầy đủ, chi tiết đối với từng giải pháp đề xuất làm cơ sở lựa chọn ra quyết định. Các dự án thích ứng BĐKH vùng bờ thường có vốn đầu tư và quy mô lớn, phạm vi không gian thực hiện rộng và thời gian thi công kéo dài. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào các dự án thích ứng, ứng phó với BĐKH... cho giai đoạn trước mắt và lâu dài.