Thực trạng tài nguyên nước Việt Nam
Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh; 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ m3, chủ yếu tập trung vào mùa mưa (3-5 tháng), mùa khô (từ 7-9 tháng), chiếm 20-30% lượng dòng chảy năm. Mặt khác, dòng chảy hằng năm phân bố không đều, chủ yếu trên lưu vực sông Cửu Long (khoảng 56%), lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các lưu vực sông khác. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam là các sông xuyên biên giới.
Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504 tỷ m3, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy của các sông của nước ta, cụ thể: Đồng bằng sông Cửu Long có tới 95% tổng lượng nước là từ nước ngoài (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia) chảy vào và ở lưu vực sông Hồng - Thái Bình có gần 40% tổng lượng nước là từ Trung Quốc. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, việc gia tăng khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn còn có nguy cơ gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa ở hạ lưu, tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước.
Nguồn nước của nước ta phân bố không đều theo không gian và thời gian. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình nêu trên.
Cùng với đó, hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp: tỷ lệ thất thoát cho cấp nước sinh hoạt còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế, nhất là đối với các hệ thống công trình thủy lợi (chỉ ở mức 50-90% tùy theo từng khu vực và tùy hệ thống, như: hiệu quả lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi, hiệu quả phát điện các công trình thủy điện có xu hướng giảm, làm gia tăng thách thức đối với an ninh tài nguyên nước trên trên lưu vực sông Hồng).
Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước
Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước của Việt Nam, làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm chất lượng, suy thoái nguồn nước, gia tăng xâm nhập mặn và nước biển dâng. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016, mực nước trung bình toàn Biển Đông biến đổi với tốc độ khoảng 0,6-4,05 mm/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn (0,08-3,25 mm/năm). Tính trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển tăng khoảng 0,7±3,50 mm/năm. Khu vực ven biển Trung bộ tăng mạnh nhất với tốc độ tăng khoảng trên 4 mm/năm, trong đó lớn nhất tại khu vực ven biển Nam Trung bộ với tốc độ tăng đến trên 5,6 mm/năm; khu vực ven biển vịnh Bắc bộ có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,5 mm/năm. Cũng theo kịch bản, nếu nước biển dâng 1 m, khoảng 17,57% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP Hồ Chí Minh và 4,79% diện tích tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập; Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao nhất với 38,90% diện tích.
Nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước. Mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh giới 4 g/l là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, cao hơn năm 2016 là 50.376 ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với diện tích 16.500/176.700 ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000 ha. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, ở Đồng bằng sông Cửu Long có 6 tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900 ha, trong đó, có 26.000 ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300 ha.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, hiện tượng xói lở bờ sông thường xuyên xảy ra và có những diễn biến phức tạp cả về phạm vi và quy mô, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu…
Giải quyết vấn đề tài nguyên nước - chìa khoá để thích ứng với BĐKH
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, bão lũ... có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Theo đó, các kế hoạch hành động để giải quyết biến đổi khí hậu cần được tích hợp giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau và có sự phối hợp xuyên biên giới. Đặc biệt, cần phải dựa trên nguyên tắc chung là quản lý nguồn nước an toàn và bền vững.
Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước (núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ).
Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…
Thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu sẽ mở ra cơ hội lớn để nền kinh tế phát triển với nhiều lĩnh vực. Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.