Quảng Ngãi bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Vũ Thành|13/10/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 800 công trình thủy lợi được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; trong đó có 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn, 139 trạm bơm và hệ thống kênh mương dài gần 4.300 km. Tổng năng lực tưới thiết kế của 800 công trình là 69.000 ha, năng lực tưới thực tế 45.000 ha, đạt 70% so với năng lực thiết kế.

Các công trình thủy lợi, đê điều tại tỉnh Quảng Ngãi cơ bản bảo đảm an toàn trong mưa lũ. Một số hồ chứa nước bị hư hỏng xuống cấp đã được các địa phương, đơn vị quản lý xử lý tạm thời những vị trí xung yếu.

an-ninh-nguon-nuoc.png
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên hàng đầu của các địa phương

Oong Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Đơn vị quản lý, vận hành 22 hồ chứa lớn với tổng dung tích hơn 370 triệu m3 nước và triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho từng công trình.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đakđrinh Lê Năng cho biết: “Hệ thống hồ chứa, thủy điện miền núi ngày càng nhiều, đòi hỏi quản lý, vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông, suối. Thủy điện Đakđrinh có quy mô lớn, ảnh hưởng đến hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, vì vậy chúng tôi vận hành bảo đảm an toàn công trình, điều tiết nước cho vùng hạ du với các phương án ứng phó theo từng cấp độ”.

Để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện những giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang tính căn cơ, đồng bộ, toàn diện và phù hợp với thực tế cơ sở. Tỉnh chú trọng hoàn chỉnh công tác quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại, đa mục tiêu; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thủy lợi đúng quy hoạch, đề án theo hướng hiện đại, đa mục tiêu, đồng bộ từng hệ thống…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết: Triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh; Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế. Để làm được như vậy, cần chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 133-KH/TU ngày 05/9/2022 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 08/11/2022 về triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 05/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW. Nhằm triển khai đạt hiệu quả, khả thi trong thực tiễn nội dung của Kế hoạch nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ, toàn diện để tổ thực hiện theo lộ trình như sau:

Một là, hoàn chỉnh công tác quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại, đa mục tiêu.

Hai là, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ tỉnh đến cơ sở theo các quy định của pháp luật về thủy lợi (Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn) nhằm thuận lợi trong công tác theo dõi, chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các tổ chức, cá nhân tham gia làm công tác thủy lợi. Điển hình là phân cấp quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình; thành lập Hội đồng đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (ứng dụng công nghệ 4.0) về theo dõi, quản lý đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.

Ba là
, đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới, đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thủy lợi theo đúng Quy hoạch, Đề án, Kế hoạch đã được cấp thẩm phê duyệt theo hướng đầu tư hiện đại, đa mục tiêu, đồng bộ từng hệ thống, có chú trọng đến yếu tố mỹ quang nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế, hiệu quả khai thác tổng hợp của từng công trình. Trong giai đoạn đến năm 2025, sẽ tập trung hoàn thành các công trình đã được bố trí vốn đầu tư như: Hồ chứa nước Bàu Đen, thị xã Đức Phổ; hồ chứa nước Suối Đá, huyện Nghĩa Hành; hồ chứa nước Hố Sâu, huyện Sơn Tịnh; hồ chứa nước Hố Lở, huyện Bình Sơn (các hồ xây dựng mới) và sửa chữa, nâng cấp 10 hồ chứa trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Minh Long từ chương trình phục hồi kinh tế; hoàn thành các tuyến kè biển, sông như: Kè biển Sa Huỳnh, Thạnh Đức, thị xã Đức Phổ; kè biển Bình Hải, Bình Trị, huyện Bình Sơn; kè bờ Bắc sông Trà Khúc, huyện Sơn Tịnh v.v… góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, phục vụ ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Bốn là
, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề: Cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp (nhất là vùng khan hiếm nước cho huyện đảo Lý Sơn; phía Nam của thị xã Đức Phổ và Khu kinh tế Dung Quất); tiêu úng, thoát lũ cho đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp; sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu tiên tiến trong thiết kế, thi công các công trình nhằm đảm bảo độ bền, ổn định lâu dài và giảm thiểu các tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; từng bước tự động hóa, hiện đại hóa công tác vận hành cụm công trình đầu mối hồ, đập; các cống đầu kênh của hệ thống thủy nông.

Năm là
, thúc đẩy tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ trong và ngoài nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân kỹ thuật làm công tác thủy lợi; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý, vận hành; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tham gia trồng, quản lý và bảo vệ rừng đầu nguồn; tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước