Nếu canh tác truyền thống chỉ cần tuân thủ quy trình và kinh nghiệm để sản xuất ra nông sản thì canh tác thông minh cần linh hoạt, thông minh hơn trong việc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, chủ động tìm phương thức canh tác thích nghi với những thay đổi về thị trường, về yêu cầu sản phẩm, về điều kiện khí hậu thời tiết…
Nông dân có thể định hướng chủng loại sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế cao từ sản phẩm làm ra.
Nhu cầu về các loại cà phê chứng nhận, cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản… ngày càng cao và các loại cà phê này cần được canh tác, sơ chế theo quy trình riêng của từng loại. Đó là thông minh về thị trường.
Sản xuất cà phê tại Tây Nguyên cũng đang chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Sự biến đổi bất thường của thời tiết về nhiệt độ, về phân bố mưa… đòi hỏi người nông dân cần linh động, nhạy bén hơn trong các kỹ thuật canh tác áp dụng cho vườn cây.
Trong các kỹ thuật canh tác áp dụng trên vườn cà phê kinh doanh thì tưới nước và bón phân là 2 yếu tố kỹ thuật chiếm tỷ lệ đầu tư lớn trong chi phí đầu vào đồng thời ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất vườn cà phê.
Tưới nước cho cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu:
Tưới nước trong mùa khô mang ý nghĩa quyết định đến năng suất cà phê vối vùng Tây Nguyên. Thông thường cà phê kinh doanh được tưới từ 3-4 lần trong một mùa khô kéo dài từ 5-6 tháng.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan thường xảy ra hơn, người nông dân cần có những ứng phó kịp thời.
Tưới đuổi khi có mưa trong mùa khô nếu cần:
Lúc cây cà phê đã được thu hoạch xong, đã trải qua thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa khá nhiều, nếu có cơn mưa trái mùa trong mùa khô, nhưng mưa nhỏ, lượng mưa < 30 mm, không đủ để cây nở hoa bình thường thì phải tưới đuổi ngay lập tức để cây cà phê nở hoa và đậu quả bình thường.
Tưới nước bổ sung cho vườn cà phê vào đầu mùa mưa nếu cần:
Nếu đầu mùa mưa xảy ra hiện tượng hạn kéo dài, cây cà phê bị thiếu nước.
Sau khi cây cà phê vối nở hoa và đậu quả, quả cà phê sẽ ngủ nghỉ, nằm ở dạng đinh ghim trên cành từ 3-4 tháng, cây cần ít nước và dinh dưỡng, lúc này trùng vào mùa khô.
Sau giai đoạn ngủ nghỉ quả sẽ bắt đầu phát triển rất nhanh, giai đoạn này thường trùng vào đầu mùa mưa ở Tây Nguyên.
Trong giai đoạn tăng trưởng quả này, hai khoang vỏ thóc dùng để chứa hạt sau này sẽ phát triển kích thước tối đa và hóa gỗ. Kích thước khoang phụ thuộc vào tình trạng nước trong cây. Nếu cây bị thiếu hụt nước thì các khoang chứa hạt không thể phát triển làm cho hạt cà phê nhân có kích thước nhỏ.
Chính vì vậy mà ở Tây Nguyên, vào các năm xuất hiện hạn dài bất thường vào đầu mùa mưa, đúng vào giai đoạn trưởng nhanh của quả cà phê vối, thì năm đó nhân cà phê có kích thước bé nhỏ hơn và giảm năng suất.
Trong điều kiện khô hạn bất thường vào đầu mừa mưa như vậy, chỉ cần một lần tưới nước bổ sung cho cà phê sẽ cải thiện được kích thước nhân cà phê từ đó cải thiện được năng suất cà phê.